"Siêu" doanh nghiệp 144.000 tỷ: Đủ căn cứ xử phạt nếu doanh nghiệp khai không đúng vốn điều lệ

ANTD.VN - Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện nay, Luật ghi rõ thông tin đăng ký doanh nghiệp phải trung thực và khuôn khổ pháp luật hoàn toàn có đủ căn cứ xử phạt trường hợp khai không đúng.

Đã có chế tài xử phạt

Mới đây, thông tin một doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh hồi giữa tháng 1 có vốn đăng ký “khủng” lên tới 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD), đứng thứ ba trong số các doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất cả nước đã khiến dư luận xôn xao.

Cụ thể, số vốn điều lệ “siêu khủng” của doanh nghiệp này chỉ đứng sau Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), thậm chí vượt qua số vốn điều lệ của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel), gần bằng vốn điều lệ của cả 4 ngân hàng thương mại nhà nước cộng lại…

Đáng nói, doanh nghiệp này lại có trụ sở đăng ký kinh doanh là một ngôi nhà nhỏ tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Chủ nhân ngôi nhà, cũng là một trong 3 thành viên có vốn góp đăng ký lên đến 43.200 tỷ đồng lại chỉ là một người phụ nữ bán lẻ nước đóng chai, gia cảnh bình thường. Hai thành viên còn lại cũng có gia cảnh tương tự.

Hầu hết các chuyên gia và nhà quản lý đặt ra nghi ngờ số vốn mà các thành viên sáng lập doanh nghiệp này đăng ký là vốn ảo. Câu hỏi đặt ra là nếu chủ doanh nghiệp này khai báo không trung thực về số vốn góp thì sẽ bị xử lý ra sao.

Trao đổi với báo chí, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện nay Luật đã quy định rõ thông tin đăng ký doanh nghiệp phải trung thực. Khuôn khổ pháp luật cũng hoàn toàn có đủ căn cứ xử phạt trường hợp khai không đúng.

Cụ thể, theo quy định, doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh sẽ có thời hạn 90 ngày để thu xếp vốn. Một doanh nghiệp có nhiều người cùng góp vốn, có người góp bằng tiền, có người góp bằng tài sản, người góp bằng thương hiệu… nên cần có thời gian để họ thu xếp.

Ngôi nhà này là địa chỉ đăng ký thành lập Công ty CP tư vấn đầu tư quốc tế và du lịch, thương mại USC, siêu doanh nghiệp có vốn đăng ký 144.000 tỷ đồng

Theo Nghị định Xử phạt vi phạt hành chính trong lĩnh vực về kế hoạch đầu tư quy định: nếu sau 90 ngày doanh nghiệp không hoàn thành tỷ lệ vốn góp theo cam kết sẽ bị xử phạt và buộc phải giảm vốn đúng thực tế.

Về chế tài xử phạt đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, mức phạt 10 đến 15 triệu đồng là nặng hay nhẹ, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng trên thực tế, nếu doanh nghiệp khai khống mà không gây thiệt hại cho ai thì không sao.  

Các cơ quan cần giám sát chặt chẽ

Cũng theo vị chuyên gia này, đây là vụ việc điển hình để chúng ta biết bản chất của vốn cam kết góp khi đứng ra thành lập doanh nghiệp là gì. Ngoại trừ một số ngành, lĩnh vực đặc biệt như ngân hàng, bảo hiểm… doanh nghiệp phải chứng minh có số vốn tối thiểu để kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp, còn lại Luật Doanh nghiệp sửa đổi khuyến khích người dân bỏ vốn kinh doanh và tự kê khai. Nghĩa vụ của doanh nghiệp là phải kê khai đúng, trung thực. Pháp luật cũng khuyến khích các cơ quan giám sát và thực thi các quy định này.

“Theo chúng tôi, điều Nhà nước cần làm là khuyến nghị các bên liên quan cần hiểu là vốn thành lập doanh nghiệp chỉ là một cam kết. Nó là cam kết nên không phải tin hoàn toàn được, các bên liên quan cần phải cân nhắc, cẩn trọng, tìm hiểu kỹ uy tín doanh nghiệp trước khi làm ăn chứ không nên chỉ tìm hiểu những thông tin đăng ký đơn thuần” – ông Đậu Anh Tuấn nói.

Ngoài ra, đại diện VCCI cũng cho rằng qua vụ việc này cũng cho thấy hệ thống đăng ký kinh doanh đã ghi nhận được những trường hợp bất thường. “Về mặt quản lý theo rủi ro thì đây là doanh nghiệp có nguy cơ rủi ro cao và trách nhiệm của các cơ quan quản lý là phải giám sát, thanh kiểm tra”, ông Tuấn cho hay.

Trước đó, trả lời báo chí, đại diện Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết đã khoanh vùng, theo dõi chặt chẽ, giám sát quá trình góp vốn theo số vốn đã đăng kí của doanh nghiệp này. Trường hợp, nếu phát hiện bất thường sẽ thông báo cho cơ quan liên quan để phối hợp quản lý.

Theo Luật Doanh Nghiệp, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng kí mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng kí mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.

Điều 24, Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Kế hoạch và đầu tư đã quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Đồng thời, buộc đăng ký lại các thông tin doanh nghiệp kê khai không trung thực, không chính xác.

Điều 28 Nghị định này quy định, hành vi không đăng kí thay đổi với cơ quan đăng kí kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng kí sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.