"Siêu bão" Covid-19 càn quét Italy gây hậu quả khủng khiếp hơn cả ở Trung Quốc

ANTD.VN - Theo thông tin ghi nhận, ngày 20-3, số ca tử vong tại Italy đã đạt mốc 3.405 ca, vượt cả Trung Quốc (với 3.245 ca). Bên cạnh đó, số người nhiễm bệnh tại đây cũng lên đến hơn 42.000 trường hợp khiến Italy là 1 trong những ổ dịch nghiêm trọng nhất trên thế giới. 

Các bệnh viện tại Italy đã rơi vào tình trạng quá tải 

Ca nhiễm đầu tiên tại Italy

Ngày 30-1, thời điểm đầu tiên khi dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), Italy đã ghi nhận 2 ca bệnh đầu tiên dương tính với chủng virus lạ này. Hai bệnh nhân đó được xác định là các du khách Trung Quốc đến Italy. Tuy nhiên, phải tới ngày 20-2, khi chính phủ Italy công bố về ca lây nhiễm của một người đàn ông 38 tuổi tại bệnh viện địa phương ở vùng Codogno (Lombardy), tình hình dịch bệnh mới bắt đầu chuyển biến xấu.

Ca bệnh này cũng được xác định là người Italy đầu tiên. Khi ấy, một số quan chức y tế Italy cho rằng SARS-CoV-2 đã tồn tại ở đây một thời gian trước khi ca bệnh này được phát hiện. Theo bà Flavia Riccardo, nhà nghiên cứu tại Khoa Truyền nhiễm thuộc Viện Y tế quốc gia Italy: “Dịch bệnh xảy ra vào đúng mùa cúm tại Italy, bởi vậy người dân thường xuyên có các triệu chứng của bệnh này và coi nhẹ chúng”. 

Ngoài ra, trước khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện, tại Italy ghi nhận vài ca viêm phổi cấp khác thường khác tại bệnh viện ở Codogno. Nhiều khả năng họ là những bệnh nhân đã nhiễm Covid-19 mà không biết và được điều trị như khi mắc bệnh cảm cúm thông thường. Các cơ sở y tế - nơi các bệnh nhân này tới chữa trị - có thể cũng đã trở thành các ổ lây nhiễm khiến dịch bệnh lan rộng tại Italy. Thời điểm ấy, khu vực phía bắc Lombardy, gồm Veneto và Emilia - Romagna, đã nhanh chóng trở thành tâm dịch của Italy với 85% số ca nhiễm và 92% số người bệnh tử vong. Tuy nhiên, virus không chỉ lây lan tại đó mà đã xuất hiện ở hầu khắp các tỉnh, thành phố khác tại đất nước này.

Sự bùng phát của dịch Covid-19 tại Italy đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới ngạc nhiên, bởi Italy là quốc gia đầu tiên tại châu Âu có các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống dịch Covid-19 như cấm các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, những người đến từ vùng dịch có thể đã tiếp cận Italy qua nhiều con đường khác như đi du lịch qua các nước châu Âu. Chính phủ nước này cũng đặt giả thuyết, có thể virus lây lan trong cộng đồng từ trước khi lệnh cấm được ban hành mà không ai biết.

Dù thiếu thốn nhân lực, các y bác sĩ vẫn đang nỗ lực hết sức để chăm sóc bệnh nhân

Lý do Italy bùng phát dịch nhanh chóng

Kể từ khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại Italy cho tới ngày 9-3-2020, dịch bệnh đã lây lan tại đây với tốc độ chóng mặt. Chỉ trong vài tuần, số người nhiễm bệnh nhanh chóng vượt mốc 9.000 trường hợp. Trước hình hình đó, ngày 9-3, chính phủ Italy đã quyết định phong tỏa toàn quốc, yêu cầu người dân không tụ tập và hạn chế ra đường để tránh lây nhiễm bệnh. 

Lý giải về việc này, nhiều quan chức Italy cho rằng Covid-19 đã được lây lan trong cộng đồng mà không ai để ý. Người Italy đã chủ quan trước khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên, điều này đã tạo điều kiện virus lan truyền rộng rãi tại các sự kiện tập trung đông người như Tuần lễ thời trang Milan. Đây cũng được xem là nguyên nhân khiến Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại các nước châu Âu. Các quan chức Italy cũng nghi ngờ con số người nhiễm bệnh trong nước sẽ còn gia tăng dù đã vượt mốc 42.000 ca.

Bên cạnh đó, Viện Y tế Italy cũng cho biết, số ca tử vong do dịch Covid-19 chiếm 4%, chủ yếu là người cao tuổi với độ tuổi trung bình khoảng 81. Tuy nhiên, Italy lại được biết đến là quốc gia có dân số già nhất thế giới (số người trên 65 tại đây chiếm phần lớn), điều này đã khiến số người tử vong do dịch bệnh sẽ còn tăng lên và cao hơn so với các nước khác.

Chính phủ Italy cũng thừa nhận họ làm việc chưa đủ tốt để kiểm soát dịch bởi họ chỉ tập trung kiểm tra các trường hợp nghiêm trọng. Đây được xem là một yếu tố khiến số ca bệnh và ca tử vong tăng lên nhanh chóng. Ngoài ra, quan chức y tế Italy cũng nhận định, số người chết do dịch bệnh còn phụ thuộc vào tình trạng môi trường. Theo báo cáo của nền tảng giám sát không khí Thụy Sĩ IQAir, 24/100 thành phố ô nhiễm nhất ở châu Âu là ở Italy. Các nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ cao giữa tỷ lệ tử vong do suy hô hấp và tình trạng ô nhiễm môi trường. 

Nhiều căn lều đã được dựng lên để làm nơi đặt giường điều trị cho các bệnh nhân

Y tế Italy khủng hoảng

Dịch vụ Y tế quốc gia Italy (SSN) hiện nay đang cung cấp các dịch vụ chăm sóc miễn phí cho những người nghèo, thiếu thốn. Tuy nhiên, nền y tế Italy cũng chưa hề chuẩn bị trước kịch bản cho sự bùng phát dịch bệnh. Quan chức Italy cho biết, họ không có đủ bệnh viện, trang thiết bị y tế và cả nguồn nhân lực khi số ca bệnh liên tục tăng lên.

Các bệnh viện trên toàn đất nước  đã rơi vào cảnh “vỡ trận” khi số người nhập viện tăng nhanh chóng. Họ đã phải tận dụng và dựng nhiều căn lều để làm nơi lắp đặt giường bệnh cho các bệnh nhân. Bên cạnh đó, Thống đốc vùng Bologna đã yêu cầu các trường đại học y cấp bằng sớm để tăng số lượng y tá và bác sĩ. 

Sau khi chính phủ Italy ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc, các quán cà phê, địa điểm du lịch tại đây đã trở nên vắng vẻ, không bóng người

Tuy nhiên, một số quan chức y tế lo ngại những nỗ lực này vẫn không đủ để kiểm soát tình hình bởi tình trạng dịch bệnh tại đây vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa được kiểm soát. Giới chức y tế Italy còn chia sẻ, các bác sĩ điều trị còn thường xuyên bị đặt vào tình trạng phải lựa chọn sẽ chăm sóc và cứu chữa bệnh nhân nào, bởi có quá nhiều bệnh nhân mà đội ngũ y tế lại hạn chế. 

Có thể thấy, Italy đang là một điểm “nóng” của dịch Covid-19 tại châu Âu nói riêng và toàn cầu nói chung. Tình hình dịch bệnh tại đây vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa được kiểm soát khi số ca tử vong do dịch bệnh tại Italy hiện nay đang đứng đầu thế giới.