Siết tín dụng bất động sản, doanh nghiệp kêu, Ngân hàng Nhà nước nói gì?

ANTD.VN - Ngân hàng không thiếu vốn và không phải dừng cho vay bất động sản nhưng sẽ cho vay đối với những chủ đầu tư đủ điều kiện, đáp ứng hồ sơ và có khả năng sinh lợi...

Từ tháng 1/2019, nguồn vốn tín dụng vào bất động sản đã giảm với quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% xuống còn 40% tại Thông tư 36. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 36, theo đó tiếp tục giảm tỷ lệ này xuống còn 30%, đồng thời nâng hệ số rủi ro mà các nhà băng phải áp dụng khi trích lập dự phòng cho các khoản vay cá nhân dư nợ từ 3 tỷ đồng gấp 3 lần lên 150%.

Quy định này đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản lo lắng. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) từng có kiến nghị, phản ánh về khó khăn của thị trường trước việc siết tín dụng bất động sản.

HoREA cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản đã giảm từ năm 2017. Số liệu cho thấy, năm 2016, tín dụng chung tăng 12% thì tín dụng bất động sản tăng gấp rưỡi 18%. Nhưng sang tới năm 2017, con số này ngược lại, tín dụng chung tăng 18% nhưng bất động sản chỉ được 12%.

Năm 2018, tín dụng chung tăng 12% thì tín dụng bất động sản còn có 5% và tới quý IV/2018 thậm chí tín dụng bất động sản còn giảm 0,8%. “Dòng vốn vào thị trường bất động sản với chiều hướng như vậy sẽ rất khó khăn”, văn bản của VNREA cho biết.

Tuy nhiên, trả lời báo chí, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cho rằng, ngân hàng không thiếu vốn và cũng không dừng cho vay bất động sản nhưng sẽ chỉ cho vay những chủ đầu tư đủ điều kiện, đáp ứng hồ sơ và có khả năng sinh lợi...

Tồn kho bất động sản đang rất lớn, vì vậy Ngân hàng Nhà nước cho rằng đây là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng bất động sản gồm 2 dạng, thứ nhất là cho vay trực tiếp các chủ đầu tư bất động sản, thứ hai là cho vay tiêu dùng để mua bất động sản.

Đến cuối 2018, tổng dư nợ tín dụng liên quan đến bât động sản là 31,7%, trong đó vay trực tiếp đối với chủ đầu tư chững lại, nhưng vay gián tiếp tăng đối với khách hàng mua nhà lại tăng. Tức là, tín dụng hướng đến mục tiêu tiêu dùng sản phẩm bất động sản. Ba tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng bất động sản đạt 3,24% so với 2018.

“Như vậy là tín dụng bất động sản vẫn tiếp tục tăng trưởng. Chúng tôi đánh giá bất động sản là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhưng các tổ chức tín dụng vẫn xem xét cho vay cả chủ đầu tư và người mua nhà” – ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Về việc sửa đổi Thông tư 36, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là phải đảm bảo an toàn hệ thống. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn không chỉ áp dụng với lĩnh vực bất động sản mà với tất cả các lĩnh vực.

“Lộ trình của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp, nếu đúng ra là phải thực hiện trước rồi” – ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.

Đối với việc siết cho vay tiêu dùng với các khoản vay trên 3 tỷ đồng, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước: “Hiện nay, các chủ đầu tư đầu tư nhiều dự án cao cấp, nghỉ dưỡng. Nay siết tín dụng như vậy để định hướng tập trung vào phân khúc thương mại giá rẻ, và chủ đầu tư cũng nên hướng đến phân khúc đó” – ông Hùng cho biết.

Theo ông Hùng, việc sửa đổi Thông tư 36 vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến để rà soát, xem xét thêm. Dẫn số liệu mới được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, số lượng tồn kho bất động sản thực tế chênh lệch đến 9 lần so với con số báo cáo của Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định bất động sản là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tuy nhiên, theo ông sửa đổi Thông tư 36 mới là dự thảo, chưa đưa ra áp dụng.

“Các tổ chức tín dụng không thiếu vốn và cũng không dừng cho vay bất động sản, mà sẽ chỉ cho vay những chủ đầu tư đủ điều kiện, đáp ứng hồ sơ, thủ tục... Chủ đầu tư có đất sạch, có khả năng sinh lợi nhuận thì ngân hàng sẵn sàng cho vay” – đại diện Ngân hàng Nhà nước nói.