Siết kiểm dịch, vô tình kích thích xoài nhập lậu

ANTD.VN - Sau nỗi lo giá xoài xuống thấp do nguồn cung dồi dào, người nông dân Nam bộ còn đang phải đối mặt với xoài nhập lậu qua biên giới. Phía hải quan nói việc này do chính sách của Cục Bảo vệ thực vật, trong khi, Cục này khẳng định làm đúng quy định.

Siết kiểm dịch, vô tình kích thích xoài nhập lậu  ảnh 1

Thủ phủ xoài Nam bộ cũng méo mặt với xoài nhập lậu

Từ nhập chính ngạch thành nhập lậu

Thời gian gần đây, xoài ngoại ồ ạt nhập lậu vào thị trường Việt Nam qua cửa khẩu Hà Tiên, Kiên Giang khiến vựa xoài Nam bộ điêu đứng bởi giá xoài nhập lậu rẻ hơn. Nguyên nhân theo phía Hải quan Kiên Giang là do Công văn số 1328/BTVT–KD của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) ban hành tháng 9-2015 gửi các địa phương, ghi rõ nông sản thuộc diện bắt buộc kiểm dịch thực vật nếu chưa nằm trong danh sách các mặt hàng được cấp giấy phép kiểm dịch thực vật thì không được cho phép nhập khẩu. 

Theo đó, những mặt hàng chưa nằm trong danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được phép nhập khẩu từ Campuchia (trong đó có quả xoài...) thì phải phân tích nguy cơ dịch hại theo quy định tại Thông tư 30/2014/TT- BNNPTNT ngày 5-9-2016 và Thông tư 36/2014/TT- BNNPTNT ngày 31-10-2014 của Bộ NN&PTNT.

Trước khi có Công văn số 1328, xoài ngoại vẫn vào Việt Nam qua cửa khẩu Hà Tiên và các cửa khẩu khu vực phía Nam. Tuy nhiên từ tháng 9-2016, do chưa được phân tích nguy cơ dịch hại, xoài nhập khẩu Việt Nam bị ách tắc, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp xé lẻ, vận chuyển theo đường tiểu ngạch ở khu vực cánh gà hai bên cửa khẩu Hà Tiên - Kiên Giang.

Đáng nói là khi thu giữ được xoài nhập lậu, cơ quan chức năng cũng không thể tiêu hủy hay cho thanh lý vì xoài không được cơ quan kiểm dịch xác nhận là hàng độc hại. Trước tình hình này, Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT tháo gỡ vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân biên giới trong việc trao đổi, mua bán các mặt hàng nông sản tươi (cụ thể là xoài). 

Không vì khó kiểm soát buôn lậu mà nới lỏng

Tuy nhiên, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, chính sách này là hoàn toàn đúng theo quy định của luật và các thông tư của Bộ NN&PTNT, cần phải ủng hộ, mục đích là để bảo vệ quyền lợi của hàng nghìn hộ dân trồng xoài ở Nam bộ.

Theo quy định của Chính phủ, các đối tượng thuộc diện cư dân biên giới khi mua bán, trao đổi hàng hóa trong danh mục và trong hạn mức theo quy định của “chính sách 254” thì không cần phải xuất trình giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu. Nhưng ông Hoàng Trung cho rằng, nhu cầu tiêu thụ xoài của cư dân biên giới không nhiều mà chủ yếu là các đầu nậu thuê mướn họ vận chuyển qua biên giới rồi thu gom, đưa về TP.HCM và các tỉnh ở Nam bộ để tiêu thụ. 

Đáng nói, diện tích trồng xoài của Campuchia rất ít, nên không loại trừ tình trạng xoài từ Thái Lan tạm nhập qua Campuchia tái xuất sang Việt Nam. Cũng không loại trừ doanh nghiệp nhập khẩu xoài của Thái Lan vào Việt Nam để xuất khẩu đi nước khác.

Trong khi từ nhiều năm nay, Việt Nam đã mất rất nhiều công sức, thời gian để nỗ lực đàm phán với các nước nhằm mở thị trường cho trái xoài Việt Nam xuất khẩu, nhờ vậy xoài Việt Nam đã được phép đưa vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, New Zealand, và mới đây là Australia. Có những mặt hàng nông sản, cơ quan quản lý Nhà nước phải đàm phán hơn 10 năm về kiểm dịch mới được nước nhập khẩu chấp thuận. Chính vì thế, không thể để xoài nước ngoài tràn ngược vào nội địa. 

Ông Hoàng Trung nhấn mạnh: “Chính quyền địa phương không thể vì không kiểm soát được buôn lậu hoặc vì quyền lợi của một vài doanh nghiệp mà đề nghị nới lỏng, trong khi hệ thống kiểm dịch thực vật của Campuchia hiện còn lỏng lẻo, nguy cơ dịch hại tràn vào nội địa khó kiểm soát, đe dọa quyền lợi của người trồng xoài trong nước”.

Cũng theo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, xoài Thái Lan hiện vẫn chưa được Bộ NN&PTNT đưa vào danh sách được phép kiểm dịch thực vật để nhập khẩu vào Việt Nam.

“Giữa Việt Nam và Thái Lan đã cơ bản đàm phán thống nhất về xuất nhập khẩu nhiều loại nông sản, trong đó hầu hết các mặt hàng trái cây nổi tiếng của Việt Nam đã được vào Thái, đồng thời Việt Nam cũng đã cho phép các loại bòn bon, sầu riêng Thái vào Việt Nam nhưng riêng trái xoài thì hai bên chưa đàm phán bởi cả Việt Nam và Thái hiện đang xuất khẩu xoài đi các nước. Việt Nam đang nỗ lực tìm thị trường để giúp nông dân trồng xoài xuất khẩu, gia tăng lợi nhuận”, ông Hoàng Trung cho hay.