Siết cổ hòng cướp tài sản: Đối tượng phạm tội có thể chịu án phạt nào?

ANTD.VN - Vụ án người phụ nữ siết cổ cụ ông lái xe ôm ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) mà Báo ANTĐ  đăng tải vẫn đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Một câu hỏi được nhắc tới nhiều nhất hiện này là, với hành vi siết cổ, đánh nạn nhân hòng cướp tiền (nhưng bất thành), đối tượng Nguyễn Thị Hồng có thể phải chịu mức án nào? PV Báo ANTĐ đã trao đổi với luật sư để ghi nhận quan điểm pháp lý về vụ việc.

Đối tượng Nguyễn Thị Hồng ký vào bản khai thừa nhận hành vi phạm tội

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, vào ngày 25-5-2018, một vụ án khá nghiêm trọng đã xảy ra tại thôn Dương Đanh, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Trong đó, Nguyễn Thị Hồng (SN 1973, trú tại thôn Dương Đanh) đã tìm cách kéo người lái xe ôm là cụ ông Nguyễn Mạnh Thái  (SN 1943, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào phòng trọ, rồi dùng dây cáp siết cổ hòng cướp tiền. Công an huyện Gia Lâm đã nhanh chóng vào cuộc để điều tra, làm rõ, và tiến hành bắt khẩn cấp đối tượng Hồng.

Ngày 29-5, trao đổi với PV Báo ANTĐ, luật sư Đặng Xuân Cường – Công ty luật Trương Anh Tú (TAT Law firm) - đã khẳng định, hành vi của Nguyễn Thị Hồng có dấu hiệu rất rõ ràng của tội "Cướp tài sản".

Luật sư Đặng Xuân Cường – Công ty Luật Trương Anh Tú (TAT Law firm)

Cụ thể, luật sư Đặng Xuân Cường cho hay: Hành vi mà đối tượng Nguyễn Thị Hồng đã thực hiện đối với người lái xe ôm như: Đánh từ phía sau, dùng dây cáp siết cổ nạn nhân… là hành vi dùng vũ lực với mục đích chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Những hành vi này của Nguyễn Thị Hồng đã có dấu hiệu rất rõ ràng của “Tội cướp tài sản” được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự (BLHS). Hành vi khách quan của “Tội cướp tài sản” xâm phạm tới cả hai khách thể được luật hình sự bảo vệ, là sức khỏe, tính mạng và quyền sở hữu tài sản của công dân.

Tang vật trong vụ án: Sợi dây cáp siết cổ, chiếc áo bị rách và bám máu, cùng số tiền của nạn nhân

Trong vụ việc kể trên, do nạn nhân chống cự quyết liệu nên mục đích chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Thị Hồng đối với nạn nhân không đạt được. Do vậy để xác định được chính xác về điều khoản và mức hình phạt mà Nguyễn Thị Hồng phải chịu thì cần phải căn cứ vào tỉ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân. Cụ thể:

Trong trường hợp nếu tỉ lệ tổn thương cơ thể của ông Nguyễn Mạnh Thái được kết luận chỉ dưới 11% thì Nguyễn Thị Hồng sẽ bị truy tố theo khoản 1 Điều 168 BLHS và đối diện với mức hình phạt từ 3 năm đến 10 năm tù.

Trong trường hợp tỉ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân đạt từ 11% đến 30% thì đối tượng sẽ bị truy tố theo khoản 2 Điều 168 BLHS. Nếu bị truy tố ở điều khoản này, đối tượng sẽ phải đối diện với mức hình phạt từ 7 năm đến 15 năm tù.

Trong trường hợp tỉ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân đạt từ 31% đến 60% thì đối tượng  sẽ bị truy tố theo khoản 3 Điều 168 BLHS với mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù.

Trong trường hợp tỉ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân đạt từ 61% trở lên hoặc có hậu quả chết người xảy ra, thì đối tượng sẽ bị truy tố theo khoản 4 Điều 168 BLHS với mức hình phạt từ 18 đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Cướp tài sản bị coi là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, nên mức hình phạt dành cho những người phạm tội này là rất nghiêm khắc. Đặc biệt, để thể hiện động thái phòng ngừa từ xa, BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã dự liệu thêm trường hợp chuẩn bị phạm tội tại khoản 5 Điều 168 BLHS, theo đó, người chuẩn bị phạm tội cướp tài sản sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Điều 168. Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên.