Siết chặt thẩm định: "Rào chắn" hiệu quả ngăn tham nhũng, lãng phí trong xây dựng

ANTD.VN - Sáng 21-10, Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tập huấn “Hướng dẫn một số nội dung về lập, thẩm định dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình trên địa bàn thành phố Hà Nội” cho khoảng 500 cán bộ chủ chốt các sở ngành, quận huyện, thị xã, doanh nghiệp đang hoạt động tại Hà Nội.

Hà Nội từng bước siết chặt quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực thi hành từ 1-1-2015 với nhiều điểm mới. Trong đó, rõ nét nhất là việc tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với các dự án đầu tư xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng; chất lượng công trình; phòng chống tham nhũng, lãng phí… Các quy định của luật cũng khẳng định vai trò quản lý Nhà nước của ngành xây dựng đối với vốn Nhà nước thông qua công tác lập, thẩm định dự án và thiết kế, dự toán.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện Luật Xây dựng 2014 thời gian qua có nhiều vướng mắc, chưa đảm bảo tính thống nhất trên địa bàn và ít nhiều gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố. Do vậy, Sở Xây dựng cho rằng, cần tập trung giải quyết ngay các vướng mắc, từng bước đảm bảo công tác quản lý đầu tư trên địa bàn được thống nhất và tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật.

Hội nghị đã nghe các giảng viên đến từ Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) – những người tham gia trực tiếp vào soạn thảo các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng - phổ biến, hướng dẫn cụ thể, làm rõ các quy định về công tác lập, thẩm định dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi về trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc tổ chức lập, trình thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế và dự toán xây dựng đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của UBND TP; thẩm quyền quyết định dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình trên địa bàn Hà Nội; vai trò của công tác thẩm tra…

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về tính đồng bộ, tính khả thi của hệ thống tiêu chuẩn của nước ta hiện nay; các vướng mắc khi áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành; các vướng mắc khi áp dụng giải pháp kỹ thuật, công nghệ, vật liệu mới trong hoạt động đầu tư xây dựng đảm bảo phù hợp với quy chuẩn quốc gia và quy định pháp luật hiện hành.

Lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định, mục tiêu trọng tâm của Hội nghị nhằm giúp các đơn vị liên quan thực hiện tốt Luật Xây dựng và các nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ ngành; giúp các học viên nắm vững nội dung văn bản pháp luật để áp dụng vào thực tiễn công tác của đơn vị; vận dụng tốt các chính sách trong quản lý hoạt động đầu tư, quản lý chất lượng công trình. Hội nghị cũng là dịp để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn chuyên sâu việc thực hiện công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng cũng như quản lý chất lượng thiết kế xây dựng công trình tại địa phương…

Theo Sở Xây dựng, sau khi Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực, thời gian qua, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước kiểm soát chặt chẽ, đồng bộ chất lượng từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế đến thi công công trình. Tuy nhiên, đối với các dự án đầu tư công, để quản lý hiệu quả và kiểm soát lãng phí tốt hơn nữa thì việc tăng cường quản lý, nhất là trong công tác lập, thẩm định dự án và thiết kế, dự toán luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.