Siết chặt nhập khẩu, ưu tiên sử dụng xăng dầu trong nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Trước lo ngại dư thừa xăng dầu trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, điều chỉnh hoạt động sản xuất, nhập khẩu xăng dầu, ưu tiên sử dụng xăng dầu trong nước.
Rà soát việc nhập khẩu xăng dầu, ưu tiên sử dụng xăng dầu trong nước

Rà soát việc nhập khẩu xăng dầu, ưu tiên sử dụng xăng dầu trong nước

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương giao Vụ Thị trường trong nước chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối căn cứ nhu cầu sản xuất, kinh doanh thực tế tại đơn vị để rà soát, điều chỉnh kế hoạch bảo đảm nguồn hàng, ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước để bảo đảm cân đối cung cầu;

Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng xăng dầu bán ra thị trường theo các quy định hiện hành; bảo đảm nguồn cung xăng dầu tại các điểm bán lẻ nhằm phục vụ nhu cầu của người dân trong mọi tình huống.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị của Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan để sớm được thông qua và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Bộ Công Thương cũng đề nghị Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, các Tập đoàn, Tổng công ty, các thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu chia sẻ với hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, ưu tiên sử dụng nguồn hàng trong nước thay thế cho nguồn hàng nhập khẩu.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu các loại trong tháng 7 đạt gần 584,5 nghìn tấn, giá trị 387 triệu USD, tăng 8% về lượng và tăng 21% về giá trị so với tháng 6-2021.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, nhập khẩu xăng dầu đạt gần 4,5 triệu tấn, trị giá hơn 2,5 tỷ USD giảm 15% về lượng, kim ngạch nhập khẩu tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Như vậy, trung bình mỗi tháng, Việt Nam chi hơn 8.170 tỉ đồng để nhập khẩu xăng dầu. Trong khi đó, theo báo cáo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tồn kho của hai nhà máy lọc dầu trong nước là Dung Quất và Nghi Sơn đang rất cao.

Cụ thể, nhà máy Dung Quất đang tồn kho khoảng 200.000 m3 sản phẩm xăng dầu (tương đương 1,2 triệu thùng) và gần 400.000 m3 dầu thô (tương đương 2,4 triệu thùng).

Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), trung bình mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ hơn 20 triệu tấn xăng dầu trong khi sản lượng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 70%, số còn lại phải nhập khẩu. Tuy nhiên năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài tại nhiều địa phương nên nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh, dẫn đến tồn kho xăng dầu tăng cao.

Dù vậy, theo các hợp đồng đã ký kết trước đó, doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu xăng dầu.

Tuần trước, Bộ Công Thương cũng đã làm việc với các doanh nghiệp xăng dầu để tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc tồn kho sản phẩm trong nước đã sản xuất được.

Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, hiện không chỉ xăng dầu mà một số chiến lược, có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất và tiêu dùng trong nước như: than đá, sắt thép, phân bón… đã xuất hiện một số dấu hiệu “cần quan tâm, theo dõi, đánh giá”.

Cụ thể là việc nhập khẩu một số mặt hàng tăng rất mạnh trong khi những mặt hàng này trong nước có khả năng sản xuất đáp ứng nhu cầu (như xăng dầu, than đá, gạo); một số mặt hàng trong nước có nhu cầu lớn nhưng lại được xuất khẩu nhiều, làm ảnh hưởng tới cán cân cung cầu và mặt bằng giá cả trong nước (như sắt thép, phân bón).

Để góp phần ổn định giá cả, thị trường, qua đó hỗ trợ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng có ý nghĩa chiến lược đối với nền kinh tế triển khai thực hiện rà soát sản xuất, tiết giảm các chi phí sản xuất… ưu tiên tiêu thụ sản phẩm trong nước đã sản xuất được.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu Cục Phòng vệ thương mại chủ trì rà soát các biện pháp về phòng vệ thương mại và kiến nghị, đề xuất các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với quy định pháp luật, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất trong nước, khẩn trương báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương trước ngày 30-8-2021.