Siết chặt ngay từ đầu

ANTD.VN - Trong các kỳ họp, phiên chất vấn của HĐND, UBND TP Hà Nội, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn biến phức tạp, có những vụ việc nghiêm trọng; gây bức xúc dư luận, vẫn là vấn đề “nóng’” thu hút sự quan tâm của người dân.

Mặc dù lãnh đạo thành phố đã có những chỉ đạo quyết liệt, giải pháp đồng bộ nhằm khắc phục vi phạm, lập lại trật tự xây dựng, song từ đầu năm tới nay vẫn phát sinh, phát hiện hơn 1.200 trường hợp vi phạm. Vì sao thực trạng nhức nhối này vẫn tồn tại?

Thời gian qua, thành phố rà soát, phân loại các dự án, công trình, đánh giá tính chất mức độ vi phạm; xác định nguyên nhân, quy trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Nhiều cán bộ chủ chốt, công chức bị kỷ luật, cách chức chuyển vị trí công tác do tắc trách, có tiêu cực liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng.

Tuy nhiên, trên địa bàn hiện vẫn còn 201 dự án, công trình vi phạm trật tự xây dựng, đất đai, quy hoạch. Vì vậy, từ nay đến cuối năm thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động xây dựng, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm, không để xảy ra vi phạm mới. Lãnh đạo quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND TP về những tồn tại, yếu kém trong quản lý trật tự xây dựng. 

Đây là nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã phải chung tay lên kế hoạch, phương án, biện pháp cụ thể xử lý từng dự án, công trình vi phạm. Các lực lượng chức năng, thanh tra xây dựng, tài nguyên - môi trường, công an, chính quyền cấp huyện, xã phải “đứng mũi chịu sào” trong việc siết chặt và lập lại trật tự xây dựng.

Tuy nhiên có thực tế đặt ra là lực lượng thanh tra xây dựng hiện trực thuộc Sở Xây dựng, còn ở cấp huyện, xã thì không có bộ máy này. Chỉ khi chuyển lực lượng thanh tra xây dựng về các quận, huyện thì việc quản lý mới thực sự có hiệu lực, hiệu quả. Sở Xây dựng cần áp dụng công nghệ thông tin để quản lý tốt hơn, cần người giỏi để quản lý chứ không cần số lượng đông. Đặc biệt cần những cán bộ công tâm, không vụ lợi, trục lợi theo kiểu “phạt cho tồn tại”, thậm chí thông đồng, tiếp tay cho chủ đầu tư vi phạm.

Để lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô, không để bộ mặt đô thị nhếch nhác, lộn xộn, vô lối, là một khó khăn, thách thức lớn. Dù vậy không khó đến mức “bó tay” khi mọi vi phạm đã phơi bày. Siết chặt ngay từ đầu thì chắc chắn sẽ không có tình trạng “nhờn luật”, vi phạm nghiêm trọng. Càng không mất công sức, thời gian lập lại trật tự.