Siết chặt kinh doanh vàng miếng: Cửa hàng nhỏ vẫn mua bán bình thường

ANTĐ - Bắt đầu từ hôm qua (10-1), chỉ còn gần 2.500 cửa hàng được cấp phép kinh doanh vàng miếng theo quy định mới và hàng nghìn cửa hàng khác không được cấp phép sẽ chấm dứt mua bán vàng miếng. Mặc dù số lượng cửa hàng không được cấp phép chiếm phần lớn nhưng theo khảo sát của phóng viên giao dịch vàng trong ngày hôm qua không xảy ra biến động lớn.

Chỉ các đơn vị được cấp phép mới được kinh doanh mua bán vàng miếng

“Chưa có văn bản yêu cầu dừng”

Theo ghi nhận của phóng viên, tại cửa hàng giao dịch Bảo Tín Minh Châu trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội), một trong những địa chỉ được cấp phép giao dịch vàng miếng, lượng khách hàng mua bán khá đông, tuy nhiên lượng khách mua bán vàng miếng không nhiều mà chủ yếu đến giao dịch vàng trang sức. Nhân viên cửa hàng cho biết, từ hôm nay quy định về mua bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực do đó người dân vẫn có xu hướng chờ đợi nghe ngóng thị trường nên lượng giao dịch có phần trầm lắng hơn những phiên trước.

Trên phố Hà Trung, lượng khách hàng giao dịch tại các cửa hàng nhỏ khá thưa thớt. Chủ một cửa hàng cho biết, khách hàng có nhu cầu mua bán vàng miếng vẫn được đáp ứng. “Theo các phương tiện thông tin thì Nhà nước sẽ kiểm soát chặt việc mua bán vàng miếng, mấy tháng nay cửa hàng tôi đang tính sẽ chuyển dần sang mua bán vàng nhẫn và vàng trang sức. Tuy nhiên, nhiều khách hàng vẫn có nhu cầu mua bán trong khi chưa có văn bản yêu cầu cụ thể nên cửa hàng vẫn giao dịch”, chủ cửa hàng cho biết. 

Ghi nhận tại một số cửa hàng vàng trên phố Cầu Giấy, việc mua bán vàng miếng số lượng nhỏ vẫn diễn ra bình thường. Tại cửa hàng vàng Phúc Sinh (đường Cầu Giấy) giá vàng SJC chiều qua được mua vào ở mức 45,7 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 46,5 triệu đồng/lượng. Vàng 9999 được bán ra ở mức 42 triệu đồng/lượng và mua vào ở mức thấp hơn giá bán 50.000 đồng. Nhân viên cửa hàng này cho biết, việc mua bán vàng miếng vẫn thực hiện bình thường, khách hàng muốn mua hay bán số lượng nào cũng được đáp ứng. 

Lúc 9h45 sáng qua, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 46,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,25 triệu đồng/lượng (bán ra). Đến buổi chiều mức giá được điều chỉnh giảm, mua vào ở mức 45,83 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 46,1 triệu đồng/lượng (thấp hơn so với ngày hôm trước khoảng 400.000 đồng/lượng). So với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước tính theo quy đổi vẫn đắt hơn khoảng 4,5 triệu đồng/lượng. 

Ngân hàng vào cuộc 

Theo quy định trong Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, kể từ hôm nay, các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng do NHNN cấp sẽ không được kinh doanh mua, bán vàng miếng. Theo đó, từ hôm nay, chỉ có 2.497 điểm kinh doanh vàng miếng trên cả nước được cấp phép. Các điểm kinh doanh này thuộc 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp. Những đơn vị chưa được cấp phép kinh doanh, mua bán vàng miếng sẽ chỉ được mua bán vàng trang sức hoặc chuyển đổi sang loại hình kinh doanh khác. Người dân khi mua bán vàng miếng tại các điểm không được phép, sẽ bị coi là giao dịch bất hợp pháp và sẽ bị phạt ở mức cao.

Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) cho biết, bắt đầu từ ngày 10-1, VietinBank chính thức triển khai dịch vụ mua, bán vàng miếng tại 12 Chi nhánh gồm: Chi nhánh Hà Nội, Ba Đình, Hoàn Kiếm, TP Hồ Chí Minh, Chi nhánh 3, Tân Bình, Tuyên Quang, Yên Bái, Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Cần Thơ. Đại diện ngân hàng cho biết: “Để chuẩn bị cho việc kinh doanh vàng miếng hiệu quả, VietinBank đã tiên phong đầu tư hệ thống công nghệ tiên tiến cho phép quản lý trạng thái toàn hệ thống tập trung tại trụ sở chính cũng như các trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ công tác kiểm tra, kiểm định vàng như cân điện tử, máy đo tuổi vàng…”. 

Ông Nguyễn Văn Lê - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết: “NHNN đã cấp phép cho SHB được hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng. Với sự đầu tư trang bị về máy móc kiểm định, đo lường, cập nhật giá vàng… SHB tin rằng các khách hàng sẽ hài lòng khi thực hiện mua bán vàng miếng hay sử dụng dịch vụ giữ hộ vàng miếng tại SHB”.

Tại một số phòng giao dịch các ngân hàng được phép kinh doanh vàng như Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) nhưng nhân viên cho biết chưa triển khai mua bán vàng miếng SJC. Trong khi đó, các ngân hàng có “truyền thống” tham gia lĩnh vực này như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank)… đã khá chủ động trong việc tổ chức kinh doanh vàng miếng. 

Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên phong (Tienphong bank) chia sẻ, việc Nhà nước thu hẹp số lượng doanh nghiệp kinh doanh vàng, về cơ bản, không ảnh hưởng nhiều đến quyền người dân được cất giữ, sở hữu và mua bán. Số lượng các cửa hàng vàng bạc sẽ giảm đi từ hàng chục nghìn hiện nay xuống chỉ còn khoảng trên 2.000 cửa hàng, khi đó việc mua bán vàng miếng sẽ không còn quá thuận lợi và đơn giản như trước. Song bù lại người dân sẽ được đảm bảo về chất lượng vàng miếng chính hãng, giá cả được niêm yết công khai, tránh tình trạng vàng giả, vàng nhái, không có tình trạng ép giá, đầu cơ, tạo khan hiếm giả tạo để trục lợi.

Danh sách 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được kinh doanh vàng miếng

* Các ngân hàng TMCP: 

1. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank)
2. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)
3. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
4. Công ty TNHH một thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)
5. Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank)
6. Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank)
7. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)
8. Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank)
9. Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank)
10. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)
11. Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank)
12. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)
13. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)
14. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhongBank)
15. Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank)
16. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
17. Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)
18. Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank)
19. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)
20. Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)
21. Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB)
22. Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank)

*Các doanh nghiệp:

23. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc Đá quý TP.HCM - Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam
24. Tổng Công ty Vàng Agribank Việt Nam - CTCP
25. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu
26. Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI
27. Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam
28. Công ty TNHH một thành viên Kim Ngọc Phú
29. Công ty TNHH Mi Hồng
30. Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Ngọc Hải
31. Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Ngọc Thâm
32. Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận
33. Công ty TNHH Vàng bạc Phúc Thành
34. Công ty cổ phần Thương mại Vàng bạc Đá quý Phương Nam
35. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc Đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương tín
36. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC
37. Công ty cổ phần Đầu tư Vàng Phú Quý
38. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc Đá quý Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam.