Siết chặt đầu tư công

ANTĐ - Chiếm một tỷ lệ lớn trong chi ngân sách nhà nước hàng năm nhưng đầu tư công tại Việt Nam lại khiến nhiều người thất vọng bởi các dự án kém hiệu quả. Trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công là 1 trong 3 trụ cột quan trọng nhất.

Cần tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với các dự án đầu tư công

Chậm tiến độ - căn bệnh lâu niên

Đánh giá về thực trạng thẩm định các dự án đầu tư công, Tiến sĩ Đặng Đức Anh (Vụ Tài chính, tiền tệ - Bộ KH-ĐT) cho biết: “Hàng năm có hàng vạn công trình đầu tư nhỏ và vừa (các dự án nhóm B và nhóm C) và trung bình mỗi dự án chỉ được phân bổ trên 1 tỷ đồng dẫn đến thời gian xây dựng kéo dài”. Nhiều dự án nhóm C thay vì dự kiến hoàn thành trong thời gian 2-3 năm lại kéo dài 5-6 năm, làm tăng chi phí, điều chỉnh, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư. 

Cách đây 9 năm (2005), cả nước có 2.280 dự án chậm tiến độ, chiếm 9,2% thì đến năm 2006-2007, tỷ lệ này lần lượt lên đến 13,1% và 13,9%. Và trong 2 năm 2011-2012, tỷ lệ dự án đầu tư công chậm tiến độ ghi nhận có chuyển biến tích cực khi giảm xuống dưới 12%. Tuy nhiên, đến năm 2013 chỉ riêng 6 tháng đầu năm, cả nước có 3.006 dự án chậm tiến độ, chiếm 11,2% số dự án thực hiện trong kỳ. Trong rất nhiều lý do đưa ra giải thích cho việc hàng nghìn dự án đầu tư công bị chậm tiến độ đáng chú nhất vẫn là các nhân tố chủ quan như lựa chọn đơn vị tư vấn, đơn vị thi công, chủ đầu tư không đủ năng lực?

Mặc dù có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây nhưng trong tổng đầu tư toàn xã hội, đầu tư công chiếm tỷ trọng cao nhất. Giai đoạn 2005-2009, tỷ trọng vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước chiếm trên 50%, thậm chí có năm lên tới hơn 60%. Mặt khác, đầu tư công còn “trông cậy” cả vào nguồn vốn vay của nước ngoài với kỷ lục năm 2010 lên đến 36,6%. 

Thay đổi cơ chế

Cơ chế chỉ định thầu là một trong những nguyên nhân khiến dự án đầu tư công kém hiệu quả. Đáng tiếc là số lượng các dự án được chỉ định thầu lại chiếm tỷ lệ rất lớn. Cụ thể, năm 2011, cả nước có hơn 35.000 gói thầu được chỉ định, chiếm 80% tổng số gói thầu được lựa chọn. Sang đến năm 2012, tỷ lệ này tăng lên 82,4%. Theo các chuyên gia, không tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch dễ dẫn đến lựa chọn nhầm đơn vị tư vấn, chủ đầu tư hoặc đơn vị thi công không đủ năng lực. Lý do chủ quan này đã khiến hàng loạt các dự án đầu tư bị chậm tiến độ, làm giảm hiệu quả đầu tư. 

Bên cạnh đó, sự gia tăng quyền hạn cho các địa phương trong việc cấp phép dự án cũng làm phát sinh hạn chế khi năng lực thẩm định, giám sát dự án của nhiều địa phương không đảm bảo nhưng tỷ lệ chi ngân sách địa phương cho đầu tư công vẫn tăng. Năm 2012, tỷ lệ đầu tư công tại chính quyền địa phương là 58,7%, vượt xa tỷ lệ trung bình đầu tư công ở chính quyền Trung ương. 

Trên thực tế, việc giám sát dự án đầu tư công là bắt buộc đối với tất cả các dự án, đặc biệt là vai trò giám sát của người dân. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đầu tư công người dân không thể giám sát trực tiếp mà phải thông qua các cơ quan dân cử. Theo các chuyên gia, huy động sự giám sát của cộng đồng đối với các dự án là việc làm cần thiết. Thậm chí, có thể nghiên cứu thành lập cơ quan giám sát, đánh giá đầu tư độc lập từ Trung ương đến địa phương. Dự thảo Luật Đầu tư công đang được hoàn thiện kỳ vọng sẽ đưa hoạt động đầu tư công vào khuôn khổ.