Siết chặt cách đánh giá chất lượng bệnh viện

ANTĐ - Bộ Y tế vừa ban hành thí điểm bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV để áp dụng cho tất cả các BV trên cả nước, nhằm định hướng và thúc đẩy các BV tích cực cải tiến, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. 

Các bệnh viện sẽ phải cải tiến, đầu tư thêm trang thiết bị, nhân lực

Gần 1/4 tiêu chí hướng đến người bệnh

Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV chia làm 5 phần, gồm: Phần A: Hướng đến người bệnh (19 tiêu chí); phần B: Phát triển nguồn nhân lực (14 tiêu chí); phần C: Hoạt động chuyên môn (38 tiêu chí); phần D: Cải tiến chất lượng (8 tiêu chí); phần E: Tiêu chí đặc thù chuyên khoa (4 tiêu chí). Mỗi tiêu chí đề cập một vấn đề xác định, được xây dựng dựa trên 5 bậc thang chất lượng, cũng chính là 5 mức độ đánh giá BV, gồm: Mức 1: Chất lượng kém; mức 2: Chất lượng trung bình; mức 3: Chất lượng khá; mức 4: Chất lượng tốt; mức 5: Chất lượng rất tốt. 

Theo Ths Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế, những tiêu chí hướng đến người bệnh trong bộ tiêu chí nói trên định hướng các BV không ngừng cải tiến để thực hiện, đáp ứng quyền lợi của người bệnh tốt hơn. Chẳng hạn, khi đến BV, người bệnh sẽ được chỉ dẫn rõ ràng, đón tiếp và hướng dẫn cụ thể; Người bệnh được chờ đợi trong phòng đầy đủ tiện nghi và được vận chuyển phù hợp với tình trạng bệnh tật; Người bệnh được làm các thủ tục, khám bệnh, thanh toán… 

Thậm chí, để đạt được mức 5 (chất lượng rất tốt) theo bộ tiêu chí đưa ra, các BV sẽ phải đầu tư cả… mạng internet không dây phục vụ người bệnh cũng như xây dựng siêu thị nhỏ trong BV để cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho người bệnh và người thân. Ông Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, muốn đạt được các tiêu chí trên, hầu hết các BV hiện nay sẽ phải cải tiến, đầu tư thêm trang thiết bị, nhân lực, đặc biệt là cải thiện thái độ phục vụ của nhân viên y tế. 

Đa số mới ở mức trung bình

Hiện nay, việc đánh giá BV đều dựa trên kiểm tra quy chế BV cuối năm. Do các BV đều thực hiện theo quy chế nên phần lớn BV đạt tiêu chuẩn xuất sắc toàn diện. Tuy nhiên, chiếu theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV vừa được ban hành, Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế nhận định, hầu như toàn bộ các BV ở nước ta  (bao gồm cả BV công và BV Trung ương) mới chỉ đạt mức độ trung bình. Chỉ tính riêng việc quá tải BV và thời gian cho một quy trình khám chữa bệnh, hiện đa số BV tuyến Trung ương đều vướng và đương nhiên không thể đạt được mức chất lượng tốt nếu đánh giá theo bộ tiêu chí. 

Thực tế, năm 2013, trong số 250 BV có báo cáo về việc thực hiện cải tiến quy trình khám chữa bệnh về Bộ Y tế, có 110 BV đã xây dựng Đề án cải tiến quy trình khám chữa bệnh, 191 BV đưa ra giải pháp cải tiến kỹ thuật, 190 BV đánh giá lại quy trình khám chữa bệnh trước khi triển khai và 169 BV có “đo lường thời gian chờ và khám bệnh”. Nhờ đó, có 135/150 BV đã giảm thời gian khám bệnh trung bình 40 phút sau khi cải tiến quy trình khám chữa bệnh. Tuy vậy, thời gian để thực hiện xong một quy trình khám chữa bệnh vẫn còn rất dài, chưa đạt tiêu chuẩn dưới 4 giờ/một lần khám chữa bệnh theo mong muốn mà Bộ Y tế đặt ra. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh còn rất nhiều vấn đề cần chấn chỉnh, thái độ phục vụ, ứng xử của một bộ phận cán bộ, nhân viên y tế với người bệnh còn chưa tốt. Những vấn đề đã tồn tại dai dẳng nhiều năm nay và khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, việc Bộ Y tế xây dựng 83 tiêu chí chất lượng BV chính là xây dựng một bộ công cụ mới phục vụ cho việc kiểm tra cuối năm của các BV, thay thế việc kiểm tra theo quy chế như hiện nay. Căn cứ vào các tiêu chí cụ thể này, các BV sẽ dễ dàng tự kiểm tra, đánh giá xem mình đang ở mức nào. Có thể BV không làm được ngay tất cả các tiêu chí nên họ sẽ tự chọn lựa những tiêu chí nào thiết yếu để triển khai nhằm đạt được tối thiểu mức 3 (chất lượng khá) trên bậc thang 5 mức. Còn những BV không đạt các mức trung bình trong từng tiêu chí đánh giá chất lượng sẽ bị xếp hạng thấp, khi đó uy tín của họ sẽ bị ảnh hưởng. Đó chắc chắn là điều mà các BV đều không muốn nên không còn cách nào khác là họ phải tiếp tục phấn đấu.

Nỗ lực tối đa cũng khó đạt

Siết chặt cách đánh giá chất lượng bệnh viện ảnh 2

Nói về Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV mà Bộ Y tế vừa ban hành, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, 83 tiêu chí mà Bộ Y tế đưa ra là những cái cần hướng tới. Còn với thực trạng các BV hiện nay, muốn thực hiện những tiêu chí đó phải phấn đấu tối đa và ngay cả khi đã nỗ lực hết mức cũng còn nhiều tiêu chí khó đạt được. Chẳng hạn với tiêu chí người bệnh điều trị nội trú được nằm 1 giường/ 1 người, có lẽ hiện duy nhất BV Việt Đức là BV tuyến Trung ương đạt được. Thậm chí một số nội dung Bộ Y tế đưa ra nhưng hiện chưa có BV nào ở Việt Nam thực hiện, ví dụ như tiêu chí các BV phải chuyển thuốc tự động đến các khoa phòng. 

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cho rằng, tiêu chí đánh giá chất lượng BV đưa ra cần bám sát với hiện trạng thực tế của các BV. Còn nếu muốn áp dụng ngay 83 tiêu chí nói trên để xếp hạng BV trong thời gian tới thì có lẽ chỉ nên áp dụng với các BV cải tạo, xây dựng mới trong tương lai.

Là cơ sở để các BV phấn đấu

Siết chặt cách đánh giá chất lượng bệnh viện ảnh 3

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, do việc đánh giá chất lượng BV trước đây đều dựa trên kiểm tra quy chế BV cuối năm nên phần lớn các BV đều đạt tiêu chuẩn xuất sắc. Với bộ tiêu chí mới do Bộ Y tế đưa ra, các yếu tố đánh giá chất lượng BV sẽ chặt chẽ hơn, gắn với người bệnh, chất lượng chuyên môn, chất lượng nhân lực. Do vậy, dựa trên cơ sở này, các BV phải nỗ lực phấn đấu để đạt được các tiêu chí, đảm bảo việc đánh giá chất lượng BV đúng thực chất.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, việc ban hành tiêu chí sẽ là động lực để các BV thực hiện nâng cao chất lượng BV. Trước mắt các BV có thể chưa đạt hết các tiêu chí nhưng có thể lựa chọn những tiêu chí quan trọng, phù hợp với BV mình cũng như nhìn vào xếp hạng của các BV khác để phấn đấu. Tới đây, các BV cũng sẽ đánh giá sự hài lòng của người bệnh.