Siết chặt ATTP nông lâm thủy sản: Chỉ là phần ngọn

ANTĐ - Dù đã đưa ra nhiều biện pháp, ráo riết ban hành các quy định nhằm siết chặt ATTP, chất lượng nông lâm thủy sản (NLTS), song, tình hình vi phạm trong lĩnh vực này vẫn chưa thấy tín hiệu khả quan. Chăn nuôi vẫn sử dụng chất cấm, rau củ, quả vẫn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Hóa chất bảo quản được dùng phổ biến dù Việt Nam chưa cho phép


Mỏi tay ký quyết định xử phạt

Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng NLTS cho biết, trong đợt thanh kiểm tra từ đầu năm đến nay, dù mới có 22 tỉnh, thành báo cáo, song, số cơ sở sản xuất, chế biến NLTS vi phạm nghiêm trọng vẫn chiếm tỷ lệ lớn, đáng báo động. Theo đó, kiểm tra 2.629 cơ sở sản xuất, kinh doanh NLTS cho thấy, 702 cơ sở vi phạm về điều kiện ATTP, chiếm 21%; lấy 207 mẫu NLTS kiểm tra, phát hiện 38 mẫu vi phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất. Tuy nhiên, số tiền xử phạt còn khiêm tốn, gần 80 triệu đồng. Cũng theo thống kê của Cục QLCL NLTS, hiện có khoảng 1.523 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tại 21 tỉnh, thành, song, số cơ sở vi phạm nghiêm trọng, không đảm bảo vệ sinh thú y chiếm đến 55%, số cơ sở chế biến rau, quả vi phạm chiếm 56%. “Trong 12 nhóm vật tư, NLTS chủ lực của ngành nông nghiệp thì số cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm nghiêm trọng vẫn chiếm tỷ lệ rất cao. Như vậy, chất lượng nông sản khó đảm bảo được”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đánh giá.

Số lượng xử phạt vi phạm trong sản xuất, kinh doanh NLTS 20 ngày của tháng 1-2012 đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Trong 20 ngày, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã ban hành gần 1.600 quyết định xử phạt, trung bình một ngày, Chánh Thanh tra Bộ này phải ký đến 80 quyết định xử phạt. Con số khiến Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng thấy giật mình.

Thịt nhiễm vi sinh, vi khuẩn phần lớn từ khâu giết mổ không đảm bảo mà ra. Tuy nhiên, từ trước tới nay, việc kiểm tra chỉ mới dừng lại ở phát hiện và xử lý vi phạm, như vậy, chỉ là giải quyết phần ngọn, nửa vời. Bộ trưởng Cao Đức Phát đặt câu hỏi: “Tại sao thời gian qua, các địa phương lấy mẫu xét nghiệm, phân tích, phát hiện các lô hàng rau, củ, quả, thịt không đảm bảo chất lượng nhưng không thấy báo cáo. Hiện khâu kiểm soát của chúng ta còn yếu, không truy ngược cơ sở sản xuất, thành thử, tất cả chỉ là hớt ngọn”.

Hóa chất cấm vẫn sử dụng

Cục Bảo vệ thực vật cho biết, kết quả giám sát trong tháng 1-2012 trên rau, quả phát hiện 10% số mẫu vượt ngưỡng dư lượng thuốc BVTV cho phép. Song, để truy nguồn gốc, số lô hàng vi phạm đó từ cơ sở sản xuất nào, vùng nào thì cơ quan chức năng cũng bó tay.

Còn theo ông Phạm Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Thú y, trong giết mổ gia súc, gia cầm, các địa phương từ Thừa Thiên - Huế trở vào làm khá tốt, song, các tỉnh phía Bắc thì chây ì, đã 1 năm qua vẫn chưa thống kê, phân loại được các cơ sở giết mổ trên địa bàn, đặc biệt là Hà Nội. Ông Đông cho biết, đã nhiều lần làm việc với Sở NN&PTNT Hà Nội, Chi cục Thú y Hà Nội để thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn về quản lý giết mổ song vẫn chưa thấy chuyển biến. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, các giải pháp chấn chỉnh, siết chặt ATTP trong giết mổ, chăn nuôi vẫn chưa thực sự khả thi, chưa tìm ra lối thoát cho tình hình vi phạm ATTP hiện nay. Chính sách phải kết hợp hành động, cứ hô hào khẩu hiệu, kết quả chỉ dừng lại trên giấy tờ, văn bản, thực phẩm người dân sử dụng hàng ngày vẫn ẩn chứa nhiều mối họa từ hóa chất, từ chất cấm.

Trong tháng 1, Cục Chăn nuôi phối hợp với Công an Đồng Nai phát hiện, bắt giữ 1 đối tượng đang vận chuyển 5kg Salbutamol hàm lượng 98% trên đường đi tiêu thụ. Tuy nhiên, đến nay, nguồn gốc lô hàng trên vẫn chưa được xác định. “Đây chỉ là một vụ việc điển hình, còn nhiều vụ việc kinh doanh, sử dụng chất cấm khác trong chăn nuôi chưa được phát hiện”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định. Hay trong rau, quả, ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trong danh mục của Việt Nam, chưa cho phép sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào để bảo quản, kéo dài tuổi thọ của rau, quả. Song, trên thị trường, tỷ lệ rau quả được “ướp” hóa chất bảo quản hiện rất phổ biến.

Trước tình trạng vi phạm ATTP chất lượng NLTS, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, hiện các chính sách, văn bản quy định đã có khá đầy đủ, điều cốt yếu các địa phương phải vào cuộc thực hiện. Trong thời gian tới, Bộ này sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an cùng vào cuộc kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng sử dụng, buôn bán chất cấm, đặc biệt trong chăn nuôi.

Salbutamol được hấp thụ dễ dàng qua đường tiêu hóa, là loại thuốc dùng cắt cơn hen, giãn phế quản, giãn cơ trơn. Salbutamol có thể gây nhược cơ, làm giảm vận động của cơ, khớp, khiến cơ thể phát triển không bình thường. Khi ăn thịt lợn có Salbutamol cũng giống như uống thuốc này.  Lượng Salbutamol còn tồn dư trong thịt bao nhiêu sẽ được cơ thể người hấp thu bấy nhiêu. Việt Nam đã cấm sử dụng chất này trong chăn nuôi từ năm 2002.