Shangri-La 2019: Nghị trường có "sục sôi" vì phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Trung Quốc?

ANTD.VN - Dù còn chưa diễn ra nhưng chắc chắn phát biểu của Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La 2019 được dự đoán sẽ hết sức gay gắt trong bối cảnh quan hệ Mỹ Trung Quốc đang hết sức căng thẳng.

Shangri-La 2019: Nghị trường có "sục sôi" vì phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Trung Quốc? ảnh 1Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan sẽ có cuộc gặp bên lề với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La 2019 

Sau 8 năm gián đoạn, Trung Quốc mới lần đầu tiên cử Bộ trưởng Quốc phòng tham dự Đối thoại Shangri-La với bài phát biểu mà báo giới mô tả là “rất được chờ đợi”. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan thì cũng đã thông báo sẽ đăng đàn diễn thuyết về các biện pháp xây dựng lòng tin và an ninh khu vực, đồng thời có cuộc gặp bên lề với ông Ngụy Phượng Hòa.

Tuy nhiên, những mâu thuẫn Mỹ-Trung Quốc hiện nay, dù trong lĩnh vực nào, cũng đang dần chuyển thành trạng thái đối đầu đã khiến dư luận dự báo về không khí căng thẳng giữa đôi bên tại Singapore lần này. Các tài liệu về an ninh của Mỹ, bao gồm Chiến lược an ninh quốc gia và Chiến lược quốc phòng, đều nhắc tới Trung Quốc như một cường quốc mà Mỹ phải đương đầu.

Quả thực, những diễn biến gần đây trên Biển Đông cho thấy Mỹ không phải “đương đầu” mà là “đối đầu” với Trung Quốc. Đầu tháng 5 vừa rồi, hai khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Preble và USS Chung Hoon đã áp sát hai đá Gaven và Gạc Ma mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Trường Sa nhằm mục đích thách thức đòi hỏi chủ quyền mà Mỹ cho là “quá đáng” và duy trì quyền tiếp cận các vùng biển thuộc phạm vi luật quốc tế. 

Nghị trường Mỹ thì cũng đang “sôi sục” với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông. Tuần trước, 14 nhà lập pháp Dân chủ và Cộng hòa, đại diện bởi Thượng nghị sĩ Marco Rubio, đã đệ trình lên Quốc hội dự luật trừng phạt các cá nhân và tổ chức Trung Quốc có dính líu đến hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông và Hoa Đông. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ thôi không còn “trung lập” trong tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên trên các vùng biển giáp Trung Quốc, đặc biệt là Biển Đông.

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford thậm chí còn kêu gọi các nước cần “phản ứng bằng hành động tập thể rõ ràng” nếu Bắc Kinh tái diễn hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo phi pháp. Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh liên tục có các phản ứng cứng rắn với các hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ và đồng minh ở Biển Đông như điều tàu chạy cắt mặt chiến hạm Mỹ và đe dọa có biện pháp mạnh.

Dù không trực tiếp nhưng cuộc chiến tranh thương mại nóng bỏng hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc đương nhiên tác động đến tâm lý những người trực tiếp tham dự Đối thoại Shangri La 2019. Đầu tháng 5 vừa rồi, Mỹ đã áp mức thuế bổ sung, tăng từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Ông chủ Nhà Trắng thậm chí còn đe dọa áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 325 tỷ USD.

Phản ứng với biện pháp cứng rắn của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Hán Huy cho rằng những hành động cố ý kích động tranh chấp thương mại như thế này là “khủng bố kinh tế trắng trợn, là ám sát kinh tế, áp bức kinh tế”. Đi liền với những lời lẽ chỉ trích nặng nề nhằm vào Mỹ, Trung Quốc thông báo sẽ trả đũa bằng việc tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ hôm nay 1-6.

Trong bối cảnh đó, Chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương mới của Mỹ bao gồm các biện pháp quân sự, ngoại giao và kinh tế nhằm kiềm chế và trừng phạt các “tham vọng quá mức” trên các vùng biển khu vực Đông Á mà ông Shanahan sẽ công bố tại Đối thoại Sangri La 2019 đương nhiên sẽ “đụng độ” với bài phát biểu của ông Ngụy Phụng Hòa về vai trò của Trung Quốc tại Ấn Độ - Thái Bình Dương vào thời điểm có tính bước ngoặt của khu vực.