Serbia tìm hướng mới để hiện đại hoá phi đội MiG-29

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với tình hình chiến sự Đông Âu phức tạp, Nga không còn là đối tác chiến lược của Serbia trong việc hiện đại hóa phi đội tiêm kích MiG-29, vậy nước này sẽ phải làm gì để duy trì phi đội 14 chiếc chiến đấu cơ này?

Serbia từng dựa nhiều vào công nghệ quân sự có nguồn gốc từ Liên Xô và Nga, từ máy bay chiến đấu MiG-29 đến xe tăng T-72, cũng như các hệ thống phòng không hiện đại như Pantsir-S1. Tuy nhiên, xét đến tình hình địa chính trị toàn cầu hiện nay, Serbia không còn có thể dựa vào Nga như nhà cung cấp chính nữa.

Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Serbia Milan Mojsilovic

Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Serbia Milan Mojsilovic

Tướng Milan Mojsilovic, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Serbia cho biết nước này phải tìm kiếm các giải pháp mới và sáng tạo để duy trì sức mạnh quân đội thay vì dựa vào Moscow. "Việc mua vũ khí từ Nga không còn là lựa chọn thực tế nữa", vị tướng này giải thích.

Serbia hiện đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc bảo dưỡng MiG-29 của mình vì Nga, nhà cung cấp phụ tùng truyền thống của nước này, không còn là nguồn đáng tin cậy nữa. Moscow được cho là đang ưu tiên mọi nguồn lực quân sự cho chiến sự Đông Âu, mặt khác nước này đang chịu nhiều cấm vận, vì vậy sẽ rất khó để đảm bảo được việc nâng cấp bảo dưỡng phi đội chiến đấu cơ cho Serbia đúng hẹn.

Serbia có thể tìm tới các đối tác khác như Israel để hiện đại hóa phi đội MiG-29. Thực tế thì Tel Aviv có kinh nghiệm trong việc cải tiến các máy bay chiến đấu có nguồn gốc từ Liên Xô và Nga. Họ cũng đã bảo dưỡng và nâng cấp phi đội MiG-29 cho Ấn Độ và Ethiopia trong nhiều năm qua.

Chiến đấu cơ MiG-29

Chiến đấu cơ MiG-29

Một lựa chọn khác mà Serbia có thể cân nhắc là hợp tác với Belarus, quốc gia cũng cung cấp dịch vụ hiện đại hóa MiG-29. Các doanh nghiệp Belarus gần Serbia hơn về mặt địa lý và chính trị, và họ có khả năng cung cấp các bộ phận và dịch vụ liên quan đến máy bay chiến đấu có nguồn gốc Liên Xô và Nga. Belarus cũng là một quốc gia có lịch sử lâu dài trong việc duy trì vũ khí của Liên Xô và Nga, khiến việc hợp tác với họ trở thành một lựa chọn hợp lý.

Cuối cùng, một giải pháp tiềm năng khác cho Serbia là chuyển sang các công ty tư nhân chuyên bảo trì và nâng cấp công nghệ quân sự cũ. Đó là công ty Aviation Technology Group tại Mỹ hay Flight Global tại Anh cung cấp các giải pháp để tiếp tục vận hành các máy bay chiến đấu cũ.

Do đó, mặc dù Nga không còn là nguồn cung cấp dịch vụ bảo trì đáng tin cậy, Serbia vẫn có một số lựa chọn để có được phụ tùng thay thế và nâng cấp cho MiG-29 của mình.

Đội bay MiG-29 của Serbia bao gồm 14 chiếc, tạo thành xương sống cho năng lực không quân của đất nước. Được sản xuất tại Liên Xô vào những năm 1980, những máy bay MiG-29 của Serbia đã trải qua các đợt nâng cấp lớn vào năm 2009 và 2017 với sự hỗ trợ của Nga và Belarus.