Serbia phản đối Kosovo thành lập quân đội riêng

ANTĐ - Ngày 6-3, Chính phủ Kosovo đã đề xuất thành lập quân đội gồm 5.000 người để "bảo vệ chủ quyền" vùng lãnh thổ của người gốc Albania này, sau 6 năm ly khai khỏi Serbia.

Theo một tuyên bố được đưa ra sau phiên họp nội các, quân đội Albania sau khi được thành lập sẽ có quy mô lớn gấp đôi Lực lượng an ninh khẩn cấp dân sự hiện tại của Kosovo (KSF - Kosovo security force).

Kể từ khi chấm dứt cuộc chiến tranh năm 1998-1999 giữa lực lượng du kích Albania đòi độc lập và quân đội Belgrade dưới sự chỉ huy của cố Tổng thống Slobodan Milosevic, NATO đã chịu trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh tại vùng lãnh thổ này.

KPS được thành lập năm 2009 với sự hỗ trợ của NATO, chỉ được trang bị vũ khí hạng nhẹ, có nhiệm vụ đối phó với tình trạng khẩn cấp và bảo vệ trật tự công cộng và an ninh.

Thủ tướng Kosovo Hashim Thaci cho biết trong một tuyên bố rằng, "các lực lượng vũ trang Kosovo sẽ bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, công dân, tài sản và quyền lợi" của Kosovo.

Quân đội tương lai của Kosovo sẽ còn bao gồm 3.000 quân dự bị, với ngân sách hàng năm là 65 triệu euro (89,5 triệu USD). Dự kiến, lực lượng này sẽ đi vào hoạt động hoàn toàn sau năm 2019.

Binh lính thuộc lực lượng an ninh Kosovo (KSF)

Tại Belgrade, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Kosovo của Serbia Aleksandar Vulin cho biết, chính phủ Serbia phản đối việc này và sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức một phiên khẩn cấp để thảo luận về động thái của Kosovo.

"Đây là việc không thể chấp nhận được và hoàn toàn trái với Nghị quyết 1244 của LHQ. Nghị quyết quy định không được thành lập quân đội trên lãnh thổ Kosovo", ông Vulin nói.

Nghị quyết này, được thông qua vào năm 1999, đặt Kosovo dưới sự quản lý của Liên Hợp Quốc và thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình do NATO đứng đầu (KFOR) để duy trì hòa bình tại Kosovo, khu vực trước đây là một tỉnh của Serbia.

Từ khi Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào tháng 2-2008, Kosovo đã được hơn 100 quốc gia công nhận, trong đó có Mỹ và 23/28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu.