SEA Games ngày càng tai tiếng

ANTĐ - Làng thể thao mấy ngày qua râm ran chuyện Phó chủ tịch kiêm TTK Ủy ban Olympic Hoàng Vĩnh Giang tiết lộ phía chủ nhà Myanmar đòi được chia 7 HCV mới cho đưa môn võ Vovinam của Việt Nam vào thi đấu SEA Games 2013. Ông Giang thẳng thắn cho rằng chuyện nhường HCV cho Myanmar là đúng, thậm chí còn phải cảm ơn họ đã chấp nhận môn thi của Việt Nam.

Phải “chia” 7 huy chương cho chủ nhà Myanmar,
môn võ Vovinam mới được đưa vào danh sách các môn thi

Thông tin trên gây sốc với một số người nhưng với dân thể thao, đó chỉ là một trong rất nhiều chuyện không hay suốt mấy chục năm nay. Ở mỗi cuộc họp trù bị, nước chủ nhà thường “mặc cả” thẳng số huy chương, trong khi số còn lại cũng không vừa khi đòi chủ nhà phải chia một phần huy chương các môn truyền thống nước này, nếu muốn có đủ tối thiểu 3 nước tham gia.

Việc nước chủ nhà đưa môn truyền thống của mình vào Đại hội thực hiện đúng tôn chỉ “tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các nước ASEAN” của SEA Games khi thành lập. Nhưng chuyện “ép” phần còn lại phải chia chác huy chương rõ ràng quá trơ trẽn, đi ngược tinh thần thể thao cao thượng. Đáng tiếc, hành động không đẹp đó ngày càng phổ biến, khiến chất lượng SEA Games giảm dần còn tai tiếng cứ ngày một tăng. 

Chuyện thật như đùa là trước SEA Games 2013, Singapore – chủ nhà SEA Games 2015, đã đề nghị Myanmar đưa cả môn quần chúng là kéo co vào Đại hội. Lãnh đạo ngành thể thao khi đó mừng thầm vì đây là môn mình có thế mạnh, thậm chí còn rục rịch lên kế hoạch tuyển VĐV để rồi sau đó… chưng hửng vì Myanmar bác đề nghị. Song gần như chắc chắn, kéo co sẽ có mặt ở Đại hội 2015, khi   Singapore nắm “quyền tự quyết” của nước chủ nhà.

Không dễ để thay đổi tiền lệ xấu tồn tại cùng giải đấu hơn 50 năm tuổi này. Vấn đề là các thành viên tham dự ứng xử thế nào để có lợi nhất cho thể thao nước mình. Ngoại trừ Thái Lan từ lâu coi nhẹ sân chơi SEA Games, các quốc gia còn lại, trong đó có Việt Nam vẫn mải miết chạy theo thành tích “ao làng” khu vực.