Sẽ xuất hiện nhiều Lê Văn Luyện vì pháp luật thiếu răn đe tội phạm?

ANTĐ - Phiên toà xét xử Lê Văn Luyện, kẻ gây ra vụ thảm án, giết cả nhà nạn nhân để cướp vàng để lại nhiều dư âm đáng suy nghĩ. Nhiều bạn đọc cho rằng quy định dưới 18 tuổi dù phạm tội dã man kiểu gì cũng chỉ bị tối đa 18 năm tù, cần sửa đổi để tăng cường tính răn đe trong bối cảnh tội phạm vị thành niên có dấu hiệu gia tăng đáng lo ngại.

Cần nghiên cứu sửa luật hình sự sau vụ Lê Văn Luyện?

“Theo tôi có khó gì đâu nhỉ. Luật pháp luôn giữ công bằng cho nhân dân, làm việc vì dân, nên những trường hợp cá biệt này đưa ra trưng cầu lấy ý toàn dân, kể cả người nhà của luyện cũng được quyền đưa ra ý kiến về mức án. Sau đó lấy đa số thắng thiểu số” – bạn đọc có tên Phúc nêu ý kiến.

“Cứ thế thì sẽ có rất nhiều chàng luyện nữa gây án mà có thể còn nghiêm trọng hơn. Theo tôi phải thay đổi luật cho phù hợp, chứ cứ lên đọc báo là thấy bắn nhau, với chém nhau thế này thì nguy hiểm quá rồi” – bạn đọc L.T.T bày tỏ sự lo ngại. Đồng tình, bạn đọc Lequanghuy viết: “Pháp luật quy định như vậy là không phù hợp, không có tính răn đe giới trẻ. Pháp luật nên được sửa đổi, có thể có những quy định riêng cho các trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có tính tàn bạo như Lê Văn Luyện”.

Trường hợp phạm tội của Lê Văn Luyện quá cá biệt

“Tôi cho rằng cần bổ sung luật. Ví dụ: Người dưới 18 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng... có thể do chủ tịch nước trực tiếp quyết định hình phạt tới mức cao nhất là tử hình! Nếu tiến tới bỏ hình phạt tử hình thì tôi không hiểu tội phạm giết người còn gia tăng tới mức nào nữa” - Thu Vân nêu quan điểm. Cũng cho rằng mức án 18 năm tù là quá nhẹ đối với tội ác của Lê Văn Luyện, bạn đọc Vudoan cho rằng: “Nếu xử Lê văn Luyện 18 năm tù thì pháp luật Việt Nam nên bỏ án tử hình đi”.

“Lê Văn Luyện không bị tử hình, nhưng sống trên đời sẽ luôn bị nguyền rủa, bị người đời khinh bỉ, bị tòa án lương tâm dày vò suốt đời thôi” - Nguyễn Hải Đăng.

“Không thể tử hình những kẻ như Luyện nhưng nếu Luật pháp sửa đổi cần có những mức án thích hợp cho từng hành vi pham tội. Có thể không tử hình nhưng mức phạt tù phải cao hơn, tuỳ theo mức độ phạm tội và hành vi pham tội. Chứ cứ chung chung như bây giờ thì sẽ còn nhiều Luyện ra đời...” – bạn đọc tên Anh viết.

“Qua vụ việc của Lê Văn Luyện, chúng ta phải ngồi lại và nhìn nhận một cách nghiêm túc: Luyện là một nạn nhân. Nếu ta không nhìn nhận thấu đáo đến cốt lõi của vấn đề thì có sửa luật nhiều lần vẫn không ngăn cản được sự tái diễn tội ác kiểu này đâu” – một bạn đọc nêu quan điểm.

“Là công dân Việt Nam chúng tôi cũng hiểu rằng tội phạm chưa đủ 18 tuổi thì không thể xử tử hình, chỉ có thể phạt tù 18 năm giam giữ. Điều đó có thể áp dụng những đối tượng gây án với mức án nghiêm trọng. Còn đối với Lê Văn Luyện một kẻ giết người hàng loạt vô cùng dã man và nghiêm trọng mà chỉ phải chịu mức án 18 năm tù thì quả thật không công bằng chút nào, trong khi đó Luyện chỉ thiếu 2 tháng tuổi. Với tội ác như vậy, Luyện không xứng đáng làm con người Việt Nam” – bạn đọc Hoang Nam Hung bức xúc viết.

“Trẻ vị thành niên cần có cơ hội để sửa chữa lỗi lầm. Ai cũng biết vậy nhưng những kẻ như Lê Văn Luyện liệu có thể giáo dục thành người có ích cho xã hội sau này không? Chỉ chưa đầy 2 tháng tính từ thời điểm gây án Lê Văn Luyện sẽ tròn 18 tuổi. Liệu gần 2 tháng ấy nhận thức của Luyện có khác đi không, có nhận ra sự tàn ác của hành động hắn gây ra để không thực hiện hành động dã man ấy? Luật pháp nên đề ra mức án áp dụng riêng để kẻ thủ ác phải trả giá thích đáng” – bạn đọc tên Mai phân tích.

“Không chỉ vì một trường hợp của Luyện mà nói luật Việt Nam chưa nghiêm được. Chúng ta đã kí vào công ước quốc tế về luật và quyền của trẻ em. Hơn nữa người Việt Nam còn quan niệm rất duy tâm rằng ác giả ác báo, gieo nhân nào gặt quả nấy... Phải để những người chưa được rèn rũa lương tâm như Luyện sống, mà biết thế nào là tòa án lương tâm để thấy ghê tởm tội ác của chính mình. Tôi tin điều này thì luật pháp và con người Việt Nam làm được” – bạn đọc Ngô Hằng phản hồi trước những ý kiến cho rằng luật pháp Việt Nam chưa nghiêm.

Bức xúc vụ “em rể gài chất nổ vào xe máy giết chị và 2 cháu”

Ngay sau khi An ninh Thủ đô đăng tải thông tin nóng về việc bắt giữ thủ phạm gây ra vụ nổ xe máy ở Bắc Ninh khiến một phụ nữ mang thai và một cháu bé thiệt mạng, bạn đọc Trọng Nguyễn chia sẻ: “Cám ơn các cơ quan chức năng đã tìm ra thủ phạm. Cầu mong cho linh hồn chị Quỳnh và bé Khánh Vân được yên nghỉ nơi chín suối!”. “Đúng là cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Những ai đang có ý đồ xấu thì hãy dừng lại, bởi lẽ tất cả các tội ác đều được đưa ra ánh sáng, phải trả giá cho tội ác đó” – Phạm Hoàng.

Sẽ xuất hiện nhiều Lê Văn Luyện vì pháp luật thiếu răn đe tội phạm? ảnh 2Sẽ xuất hiện nhiều Lê Văn Luyện vì pháp luật thiếu răn đe tội phạm? ảnh 3
Gã em rể độc ác đã sát hại chị dâu và hai cháu

“Ác không bằng loài cầm thú. Nhìn đứa bé nằm trên giường bệnh thật đáng thương, không hiểu sao hắn là người ăn học đàng hoàng mà lại có những suy nghĩ và hành động dã man đến thế. Mong rằng pháp luật cho hắn nhận mức án cao nhất” - Nguyễn Hải Đăng phẫn nộ.

“Mình nghĩ là có điều gì mờ ám từ khi vụ nổ xe ở Bắc Ninh xảy ra. Mọi người biết rằng từ sau vụ nổ xe này thì hàng loạt vụ cháy xe không rõ nguyên nhân xảy ra chứ trước đó không có vụ nào cháy xe cả. Có thể một số kẻ xấu đã lợi dụng vào vụ việc này để có âm mưu gì đó. Bây giờ vụ nổ xe ở Bắc Ninh đã tìm ra thủ phạm, vậy các xe bị cháy kia chắc phải có vấn đề gì rồi, điển hình vụ cháy xe máy cháy luôn 210 triệu đồng, bí ẩn gì sau vụ này...?” – bạn đọc Phạm Văn Nho viết.

Tiềm đã đặt thuốc nổ làm bé Khánh Vân tử vong theo mẹ và em

 “Quá độc ác và tàn bạo. Gã em rể này nguy hiểm và ác không kém gì Lê Văn Luyện, phải tử hình” – bạn đọc Chu Lâm Tùng đề nghị.

Thưa bạn đọc, cần khẳng định là nước ta nhà nước pháp quyền, nên mọi vấn đề xã hội phải được thực thi theo pháp luật. Chúng tôi hiểu và thông cảm với những bức xúc, phẫn nộ trước cái ác, nhưng rất nhiều bạn “mượn” vụ án Lê Văn Luyện để cho rằng pháp luật “dung túng cái ác”, hay cho rằng những người thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án “có vấn đề”… là việc làm sai. Chúng ta không thể lấy một cái sai để sửa một cái sai khác được.