Sẽ xử lý dứt điểm ô nhiễm ở khu vực Hồ Tây

ANTD.VN - Chiều 5-12, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2016 và nhiệm vụ 2017 của TP Hà Nội. Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã cho biết, thành phố sẽ tập trung giải quyết dứt điểm nạn ô nhiễm ở hồ Tây để nơi đây trở thành điểm du lịch hấp dẫn...

Sẽ xử lý dứt điểm ô nhiễm ở khu vực Hồ Tây ảnh 1

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thông tin về các vấn đề cử tri quan tâm

Giải quyết dứt điểm ô nhiễm ở hồ Tây

Tại phiên thảo luận đại biểu Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Quận ủy – Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ cho biết, hồ Tây đã được xác định là điểm đến của Thủ đô và thành phố sẽ kêu gọi đầu tư để phát triển du lịch tại đây trong những năm tới. ĐB Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, cử tri mong muốn thành phố sẽ quan tâm đảm bảo vấn đề môi trường hồ Tây để nơi đây thực sự là điểm đến hấp dẫn lâu dài của Hà Nội...

Trả lời băn khoăn của đại biểu Nguyễn Văn Thắng về việc thành phố sẽ bố trí ngân sách cải tạo môi trường thế nào sau khi xuất hiện tình trạng cá chết ở một số hồ nội thành thời gian qua, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, sau sự cố liên quan đến việc cá chết ở Hồ Tây, UBND TP Hà Nội đã mời một số công ty tư vấn trong và ngoài nước khảo sát lại thực trạng ô nhiễm tại các hồ ở Hà Nội. Theo Chủ tịch UBND TP, từ  khảo sát của 3 công ty độc lập, để làm sạch Hồ Tây, phải nạo vét khoảng 1,2 triệu khối bùn. Ở hồ Tây, có những khu vực hiện nay nước chỉ còn sâu 0,5cm trong khi bùn sâu 1,7m... Chủ tịch UBND TP phân tích, nếu hút 1,2 triệu khối bùn các nhà khảo sát đưa ra số tiền từ 170 -180 tỷ đồng. Thực tế, 4 năm vừa qua, Ban quản lý Hồ Tây đã tiêu 128 tỷ đồng nhưng chưa thấy hiệu quả. “Muốn biến hồ Tây thành khu du lịch trong tương lai, chúng ta phải có kế hoạch tổng thể. Thành phố đã giao Sở Xây dựng khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND TP nói.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP cho biết Hà Nội sẽ triển khai việc thu gom 8 cửa xả nước thải ở hồ Tây vào nhà máy của Công ty Phú Điền để xử lý và sẽ xây dựng thêm điểm phun nước từ 180 đến 200m để tạo điểm nhấn...

Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp

Năm 2017, TP Hà Nội đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng đạt 8,5-9%; thu nhập bình quân đầu người từ 86-88 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 11-12%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu từ 4-5%; giảm tỷ suất sinh thô so với năm trước 0,1%; tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo đạt 59,5%; tăng thêm 80 trường công lập đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 82,8%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch khu vực đô thị phấn đấu đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 40%...

Theo đại biểu Phạm Đình Đoàn (Hoàng Mai), báo cáo của UBND TP có đề cập tới các thành tựu kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực của các cấp chính quyền nhằm đạt được những thành tựu đó. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ định hướng, chiến lược phát triển ngắn hạn và dài hạn đối với từng ngành nghề của Thủ đô. Đại biểu Phạm Đình Đoàn cho rằng, để có cơ chế “trên thông, dưới thoáng” thì nên để doanh nghiệp chấm điểm các sở, ban, ngành. Ngoài ra, đại biểu cũng mong muốn lãnh đạo thành phố tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp để tạo ra bước đột phá trong năm 2017.

Đại biểu Nguyễn Minh Tuân (Tây Hồ) đánh giá cao những thành tích mà thành phố đạt được trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động. Đối với những chỉ tiêu trong những năm gần đây như tăng trưởng kinh tế, huy động vốn - là những chi tiêu thành phố thường không hoàn thành, đại biểu Tuân đề nghị cần phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân, để tìm ra giải pháp cho năm 2017 và những năm tiếp theo.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Tứ đã tiếp thu, giải trình cũng như làm rõ một số ý kiến của các đại biểu nêu. Cuối phiên thảo luận, với tỷ lệ 84,62% tổng số đại biểu tán thành, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2016 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.