Sẽ xử lý dứt điểm các trạm trộn bê tông không phép

ANTĐ - Hồi âm bài viết về những trạm trộn bê tông không phép vi phạm pháp luật đê điều dọc đê tả Đuống (xã Yên Viên, Gia Lâm) trên Báo An ninh Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND huyện Gia Lâm vào cuộc, xử lý triệt để các trạm trộn này.

Trạm trộn bê tông không phép chặn ngang hành lang thoát lũ sông Đuống

Công văn số 7354/UBND-NN do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Trần Xuân Việt ký nêu rõ: “Báo An ninh Thủ đô, số ra ngày 23-8 có đăng bài: “Làm ngơ trước vi phạm”, phản ánh việc các trạm trộn bê tông sát chân cầu Đuống thuộc địa phận xã Yên Viên, huyện Gia Lâm vi phạm pháp luật đê điều, ngang nhiên hoạt động”. Liên quan tới vụ việc, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt yêu cầu UBND huyện Gia Lâm kiểm tra ngay, đồng thời chỉ đạo, tổ chức xử lý kiên quyết, triệt để các trường hợp vi phạm pháp luật đê điều mà Báo An ninh Thủ đô đã nêu, xong trước ngày 15-9-2011, báo cáo UBND TP Hà Nội. Ông Trần Xuân Việt cũng giao Sở NN&PTNT kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với UBND huyện Gia Lâm thực hiện chỉ đạo trên của UBND TP Hà Nội.

Làm việc với phóng viên Báo An ninh Thủ đô chiều 9-9, ông Dương Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, UBND huyện đã giao Thanh tra xây dựng huyện hướng dẫn, đôn đốc thanh tra xây dựng xã Yên Viên thực hiện kế hoạch cưỡng chế, giải tỏa các trạm trộn bê tông khu vực sát chân cầu Đuống (3 trạm). Đồng thời, hỗ trợ lực lượng, phương tiện khi tổ chức xử lý, giải tỏa.

Cùng với đó, Công an huyện phối hợp với UBND xã Yên Viên, hỗ trợ lực lượng trong việc tổ chức cưỡng chế, giải tỏa. Đại diện UBND huyện Gia Lâm cũng xác nhận: Vi phạm của các trạm trộn này là rất rõ ràng. Lực lượng chức năng của huyện đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính nhưng kết quả xử lý còn hạn chế, chưa triệt để. UBND xã Yên Viên từng có hẳn kế hoạch giải tỏa nhưng rồi cuối cùng các trạm trộn vẫn tiếp tục tồn tại, thách thức cơ quan chức năng. Nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ còn do các vi phạm này chưa được giải quyết ngay từ đầu cũng như sự thiếu kiên quyết của chính quyền cơ sở trong việc thực hiện cưỡng chế, giải tỏa.

Ông Dương Dũng nói: “Không thể để vi phạm kéo dài mãi, lần này, UBND huyện Gia Lâm quyết tâm xử lý bằng được các trạm trộn này. Nếu sau ngày 15-9, xã Yên Viên không tổ chức cưỡng chế, giải tỏa được các trạm này, lực lượng của huyện sẽ trực tiếp vào cuộc để xử lý triệt để...”.

Có thể nói, chỉ với 3 trạm trộn bê tông không phép, vi phạm pháp luật đê điều rất rõ ràng, nhưng đã phải có tới 3 cấp quản lý cùng vào cuộc giải quyết. Không rõ, sau khi UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo, UBND huyện Gia Lâm và xã Yên Viên có làm được đúng như họ đã cam kết, dỡ bỏ các trạm trộn không phép gây ô nhiễm môi trường, trả lại sự thông thoáng, an toàn cho hành lang thoát lũ tả Đuống hay không? Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi việc thực hiện “lời hứa” xử lý rốt ráo các trạm trộn bê tông không phép này.