Sẽ xóa bỏ vùng phân lũ, chậm lũ?

(ANTĐ) - Sông Hồng, sông Đáy là những con sông cung cấp nước tưới cho một khu vực rộng lớn và tiêu thoát nước về mùa mưa lũ.  Tuy nhiên, cũng vì chức năng thoát lũ, phân lũ mà hàng năm đã gây ảnh hưởng lớn cho một lượng dân cư không nhỏ nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ. Bộ NN&PTNT đã có phương án, báo cáo với Thủ tướng xóa bỏ các vùng phân lũ, chậm lũ, song, liệu việc xóa bỏ này có an toàn, đảm bảo khi có lũ về?

Sẽ xóa bỏ vùng phân lũ, chậm lũ?

(ANTĐ) - Sông Hồng, sông Đáy là những con sông cung cấp nước tưới cho một khu vực rộng lớn và tiêu thoát nước về mùa mưa lũ.  Tuy nhiên, cũng vì chức năng thoát lũ, phân lũ mà hàng năm đã gây ảnh hưởng lớn cho một lượng dân cư không nhỏ nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ. Bộ NN&PTNT đã có phương án, báo cáo với Thủ tướng xóa bỏ các vùng phân lũ, chậm lũ, song, liệu việc xóa bỏ này có an toàn, đảm bảo khi có lũ về?

Sẽ xóa bỏ các vùng phân lũ, chậm lũ lưu vực sông Đáy, sông Hồng
Sẽ xóa bỏ các vùng phân lũ, chậm lũ lưu vực sông Đáy, sông Hồng

Phân lũ, chậm lũ sẽ kìm hãm kinh tế

Khi những công trình đập thủy điện Nà Hang, đập Hòa Bình, đập Sơn La… đi vào hoạt động chúng ta gần như đã chủ động điều tiết được lượng nước đổ xuống các tỉnh khu vực phía hạ du trong mùa mưa lũ. Và như vậy, việc khoanh khu vực phân lũ, chậm lũ trở nên không cần thiết và còn gây nhiều trở ngại, kìm hãm phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Bởi theo quy định, vùng phân lũ, chậm lũ không được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp…

Tại  tỉnh Phú Thọ, vùng chậm lũ Tam Thanh bao trùm lên 23 xã đã từ nhiều năm qua khiến cho người dân phải ở tạm, ở chờ không dám đầu tư sản xuất kinh tế. Một số khu công nghiệp, du lịch:  khu CN Trung Hà, Thanh Thủy, khu du lịch suối khoáng nóng đều phải chịu ảnh hưởng của vùng chậm lũ không thu hút được đầu tư. Tương tự, tại Vĩnh Phúc vùng chậm lũ Lập Thạch cũng chiếm tới 44km2 diện tích trong khi hiệu quả phân lũ tối đa của cả 2 vùng cũng chỉ xấp xỉ đạt 500 triệu m3.

Để thay đổi cuộc sống của người dân ở các khu vực quy hoạch chậm lũ, tránh lãng phí tài nguyên đất và tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, Bộ NN&PTNT đã giao Viện Quy hoạch Thủy lợi và trường ĐH Thủy lợi thực hiện những đề tài nghiên cứu về khả năng xóa các khu phân lũ, chậm lũ sông Hồng, sông Đáy, sông Hoàng Long. Theo kết quả nghiên cứu của GS.TS Hà Văn Khối - ĐH Thủy lợi thì hiện nay chúng ta hoàn toàn có khả năng bỏ các vùng phân lũ, bởi nếu nâng cao tối đa hiệu quả điều tiết phòng lũ của các hồ chứa thượng nguồn trong giai đoạn vận hành thì ngay cả khi xảy ra lũ với chu kỳ 500 năm hoặc lớn hơn vẫn đủ sức điều tiết để hạ thấp mực nước tại Hà Nội và bảo đảm xả lũ an toàn cho công trình.

Riêng sức chứa phòng lũ của các hồ trên sông Đà (Hòa Bình - Sơn La) đã có 7 tỷ m3, chưa kể hồ chứa Thác Bà được 0,45 tỷ; hồ Tuyên Quang 1 tỷ m3… Đặc biệt về mùa lũ dung tích bỏ trống của các hồ chứa nói trên đều rất lớn. Các hồ chứa trên sông Đà bỏ trống trung bình 11,644 tỷ m3, trong đó dung tích dành cho phòng lũ hạ du là 7 tỷ m3. Riêng Sơn La có tổng dung tích bỏ trống là 7,215 tỷ m3 và dung tích chống lũ cho công trình là 3,21 tỷ m3. Khả năng chứa lũ của các đập thủy lợi còn rất lớn cho thấy chỉ cần có một quy trình mềm dẻo để sử dụng phần dung tích chống lũ cho công trình sẽ nâng cao được hiệu quả phòng lũ cho hạ du. Trong trường hợp lũ vượt ngưỡng chu kỳ 500 năm, thậm chí tính đến chu kỳ lũ 1.000 năm được coi là thảm họa vẫn có thể tính đến phương án phân lũ vào sông Đáy để bảo vệ Thủ đô Hà Nội.

Cải tạo sông Đáy?

Nghiên cứu của Viện Quy hoạch thủy lợi nghiêng về hướng cải tạo sông Đáy làm thông thoáng dòng chảy, tăng khả năng thoát lũ cho hệ thống. Sông Đáy có nhiều đoạn khúc khuỷu ngoằn ngoèo có nhiều đoạn từ lâu bị bồi lấp không có dòng chảy nên cần phải nắn thẳng và nạo vét lòng sông. Phương án cải tạo sông Đáy của Viện QHTL sẽ mang lại hiệu quả tổng hợp về môi trường đích cuối cùng là biến sông Đáy trở thành dòng chảy tự nhiên có điều tiết nhằm đem lại hiệu quả tổng hợp về môi trường sinh thái.

Việc đưa nước thường xuyên vào sông Đáy sẽ đáp ứng được cùng lúc nhiều mục tiêu, vừa phục vụ nước tưới cho nông nghiệp, cải tạo môi trường trong tương lai khi sông Đáy trở thành trung tâm của đô thị mở rộng, phục vụ giao thông thủy cả trong mùa lũ và mùa kiệt đồng thời có thể hỗ trợ hoặc thay thế nhiệm vụ cấp nước cho sông Nhuệ trong tương lai khi sông Nhuệ bị ô nhiễm. Song theo đánh giá, phương án này sẽ “ngốn” một khoản kinh phí không nhỏ. Nhất là như hiện nay, sông Đáy đoạn chảy trên địa bàn Hà Nội đã gần như bị lấn chiếm, bồi lắng, co hẹp lòng sông.

Việc xóa bỏ các vùng phân lũ, chậm lũ rõ ràng mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội rất lớn. Bởi vậy, đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT các tỉnh trên lưu vực sông Hồng, sông Đáy đều cho rằng việc để  khu phân lũ, chậm lũ như hiện nay là không cần thiết. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học cũng đồng thuận với ý kiến xóa bỏ vùng phân lũ, chậm lũ để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương. “Hà Tây (cũ) là vùng phân lũ, chậm lũ rất lớn trên lưu vực sông Hồng để bảo vệ cho Hà Nội.

Hiện tại, vùng chậm lũ, phân lũ chiếm khoảng 1/2 diện tích đất đai của Hà Nội, mà đã thuộc vùng phân lũ sẽ không được xây dựng, phát triển. Trước khó khăn đó, Thủ tướng đã đồng ý về mặt nguyên tắc cho xóa bỏ vùng phân lũ, chậm lũ của Hà Nội để phục vụ việc phát triển Thủ đô khi hồ Sơn La đi vào hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc, một số khu vực thuộc vùng phân lũ như: Ba Vì, Sơn Tây... sẽ không còn ngập vào mùa lũ”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đào Xuân Học cũng cho rằng, Bộ NN&PTNT vẫn đề xuất lấy trục sông Đáy làm vùng chậm lũ và đây sẽ là “cầu dao” cuối cùng để chống lũ cho Hà Nội khi có biến cố đột xuất xảy ra. Bởi vậy, Thứ trưởng lưu ý Viện QHTL và trường ĐHTL cần tính đến trường hợp biến đổi khí hậu, lũ có thể xuất hiện bất chợt không đúng thông lệ và khi ấy có thể hồ vẫn còn chứa đầy nước, việc xả lũ sẽ được tính đến như thế nào? 

Hạ Quỳnh