Sẽ xem xét đưa giá điện vào kế hoạch kiểm toán năm tới

ANTĐ - Trước những bức xúc của dư luận về giá điện, cách tính giá điện và biểu giá điện thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, sẽ xem xét để đưa giá điện vào kế hoạch kiểm toán năm 2016. Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo công bố báo cáo kiểm toán 2014 và kết quả thực hiện kết luận kiến nghị kiểm toán năm 2013 diễn ra sáng qua (10-7).

Sẽ xem xét đưa giá điện vào kế hoạch kiểm toán năm tới ảnh 1Thông tin minh bạch về giá điện là một vấn đề được dư luận hết sức quan tâm
Ảnh: PHÚ KHÁNH

Kiểm toán vấn đề được dư luận quan tâm

Trả lời câu hỏi có đưa việc điều hành giá điện vào kế hoạch kiểm toán hay không, ông Nguyễn Anh Tuấn - Kiểm toán trưởng Kiểm toán chuyên ngành VI cho biết: “Trên cơ sở nhiệm vụ được giao và thông tin đã thu thập, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2016 để báo cáo Quốc hội xem xét. Nếu Quốc hội đồng ý đưa vào kế hoạch, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm toán”. 

Bổ sung thêm cho câu trả lời, ông Đào Văn Dũng - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN cho biết: “Một trong những tiêu chí để lựa chọn các đầu mối, đơn vị cũng như chủ đề cho kế hoạch kiểm toán năm sau là các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Vì vậy, đây cũng là vấn đề chúng tôi phải xem xét trong quá trình xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2016”. “Dư luận xã hội là một trong những tiêu chí để lựa chọn, còn việc quyết định kiểm toán cuối cùng sẽ có vào ngày 31-12-2015”, ông Dũng nhấn mạnh. 

Cũng tại buổi họp báo, đại diện KTNN cho biết, thực hiện kiểm toán chuyên đề “Tình hình thực hiện chính sách giá xăng dầu giai đoạn 2011-2013 tại các đầu mối nhập khẩu xăng dầu” cho thấy, thông qua việc điều hành giá xăng dầu bằng các công cụ tài chính, giá xăng dầu trong nước giai đoạn 2011-2013 tương đối ổn định, hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Làm rõ cơ sở truy thu thuế tại Sabeco

Một trong những vấn đề nhận được nhiều quan tâm tại buổi họp báo là việc truy thu 408 tỷ đồng tiền thuế tại Tổng công ty Bia Rượu và Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Phó Tổng KTNN - Cao Tấn Khổng khẳng định: “Sabeco chắc chắn phải nộp thuế truy thu. Theo luật, Sabeco có quyền khiếu nại kết quả kiểm toán, nhưng trước tiên vẫn phải thực hiện những kiến nghị đã nêu”.

Làm rõ cơ sở việc kiến nghị truy thu thuế, bà Trương Thị Việt Hương - Kiểm toán trưởng Kiểm toán khu vực 4 phân tích: “Hiện nay, theo mô hình tổ chức sản xuất của Sabeco, đơn vị đã thành lập Công ty TNHH thương mại MTV Sài Gòn Sabeco, để tiêu thụ các sản phẩm. Doanh nghiệp này có 100% vốn của công ty mẹ. Sau đó, công ty thương mại này thành lập các công ty liên kết, công ty con có vốn của Sabeco từ 90-94%. Các công ty thương mại khu vực sẽ bán các sản phẩm của Sabeco tới đại lý cấp I. Đây là một mô hình khép kín của Tổng công ty Bia Rượu và Nước giải khát Sài Gòn”.

“Do đó, không chỉ chi phối về vốn, Tổng công ty Sabeco còn có quyền quyết định từ khâu nguyên liệu đầu vào đến giá bán ra, trong khi lợi nhuận cuối cùng của các công ty cũng chuyển về Sabeco. Khâu cuối cùng trong chuỗi sản xuất của Sabeco được xác định là các công ty thương mại khu vực. KTNN đã tiến hành truy thu thuế đối với giá bán ra tại các công ty này. Còn cơ sở để tính thuế thì tương đối rõ, dù các đơn vị này là cơ sở thương mại độc lập hoặc không”, bà Việt Hương khẳng định.

Liên quan tới hoạt động ngân hàng, báo cáo của KTNN cho biết kết quả kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và 4 tổ chức tài chính cho thấy, NHNN đã điều hành tương đối linh hoạt và hiệu quả các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế vĩ mô theo kế hoạch.