Sẽ xây dựng, kiện toàn 500 nhóm trẻ tư

ANTĐ - Gần đây xảy ra hàng loạt vụ việc nghiêm trọng với trẻ mầm non, nguyên nhân được phân tích phần lớn do nhu cầu cao của các nữ lao động, đặc biệt ở các khu công nghiệp, chế xuất có con dưới 36 tháng tuổi muốn tìm chỗ gửi con để đi làm nhưng không được đáp ứng.

Cần có các trường mầm non đảm bảo chất lượng
để chăm lo con em công nhân trong các khu công nghiệp

Cung ít, cầu nhiều 

“Với đặc thù lượng lao động của các khu công nghiệp, chế xuất đông, mức lương công nhân thấp, làm việc theo thời hạn hợp đồng, theo ca, trong đó, số công nhân có con trong độ tuổi mầm non chiếm tới 2/3 nên nhu cầu gửi trẻ tại Đông Anh rất lớn” – bà Đinh Thị Hương, Phó trưởng phòng   GD-ĐT huyện Đông Anh cho biết. Trong khi đó, khu công nghiệp ở đây lại chưa có trường mầm non riêng cho con em công nhân, hệ thống các trường công lập trên địa bàn không thể đáp ứng yêu cầu do số lượng trẻ tăng vọt từng năm. Cũng theo bà Đinh Thị Hương, do thu nhập thấp nên đa số nhóm trẻ ở khu công nghiệp thu học phí, tiền ăn rất thấp, chỉ từ 200.000-300.000 đồng/tháng, mức ăn chỉ từ 10.000-12.000 đồng/ngày. Với mức thu này, việc đảm bảo yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất chăm sóc trẻ là rất khó. “Riêng khu công nghiệp Bắc Thăng Long đã có khoảng 3.847 trẻ, số trẻ đi học mới chỉ đạt 51%. Khu công nghiệp đã dành hơn 4.000m2 để xây trường nhưng vẫn đang chờ đầu tư xây dựng” – bà Đinh Thị Hương cho biết.

Còn tại huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, Phòng GD-ĐT huyện này cũng cho biết, do có nhiều khu công nghiệp lớn nên dân số cơ học tăng nhanh, không ổn định, dẫn tới tình trạng tồn tại nhóm trẻ gia đình tự phát. “Hầu hết người trông trẻ, nhân viên nuôi dưỡng không có chuyên môn, đặc biệt nhiều chủ nhóm, lớp là người cao tuổi, không có kiến thức chuẩn về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Đa số các nhóm, lớp tại đây chưa được cấp phép nhưng vẫn nhận trông giữ trẻ” – đại diện Phòng GD-ĐT huyện An Dương cho biết.

Hỗ trợ tối đa nhóm trẻ tư thục 

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng Ban gia đình xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, khảo sát mới đây của Hội tại 5 tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp là: Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hải Dương cho thấy, hầu hết con của công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đều được gửi vào nhóm nhỏ, tư thục chưa được cấp phép. Trong số này chỉ có khoảng 30% gia đình quan tâm đến chất lượng nơi gửi trẻ, còn đa số lựa chọn nơi gửi trẻ thuận tiện đi lại và có thời gian trông giữ trẻ phù hợp với điều kiện làm việc ca kíp. Trước lo ngại về sự an toàn của trẻ khi gửi tại những cơ sở không đủ điều kiện chăm sóc trẻ mầm non, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết, đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020” đã được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trình lên Thủ tướng và đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chính thức phê duyệt.

Với đề án này, việc kiện toàn, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ được hỗ trợ tối đa để thay thế cho việc quá tải trường công. Đề án cũng nhằm góp phần hỗ trợ nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi khó khăn trong việc tìm chỗ trông giữ con, khi các trường mầm non công lập không đủ khả năng nhận trẻ ở độ tuổi này. Cùng với đó, sẽ có 500 nhóm trẻ độc lập tư thục được hỗ trợ kiện toàn, xây dựng và phát triển theo đề án này. Bên cạnh đó, phấn đấu đến năm 2020, 80% cán bộ, giáo viên, bảo mẫu của các nhóm trẻ độc lập tư thục tại địa bàn thực hiện Đề án được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ và được giáo dục đạo đức nghề nghiệp. 

Đề án cũng đặt ra mục tiêu, 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi tại địa bàn triển khai Đề án được gửi tại các nhóm trẻ được quản lý và bảo đảm chất lượng. 95% các bà mẹ ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất được tuyên truyền nâng cao nhận thức về chăm sóc và phát triển trẻ thơ. Đây sẽ là mô hình để các địa phương trên cả nước có cơ sở đề xuất để giải quyết bức xúc từ tình trạng kém chất lượng, thiếu an toàn tại các nhóm lớp trông giữ trẻ tư thục hiện nay.