Sẽ thí điểm hợp nhất Văn phòng đoàn ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh thành 1 cơ quan

ANTD.VN -Trên tinh thần tiếp tục cải cách bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, Quốc hội thống nhất cho một số địa phương được thí điểm việc hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND tỉnh thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung.
Trên tinh thần tiếp tục cải cách bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, Quốc hội thống nhất cho một số địa phương được thí điểm việc hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND tỉnh thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chiều 24-11

Với 94,50% ĐBQH biểu quyết tán thành, chiều 24-11, Quốc hội đã thống nhất thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trên cơ sở phân tích các tồn tại, hạn chế trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hiện nay, Nghị quyết đặt ra yêu cầu tiếp tục rà soát điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước; thực hiện có hiệu quả nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan; cùng đó đẩy mạnh phân quyền, phân cấp…

Đặc biệt, Nghị quyết nhấn mạnh đến việc tiếp tục sắp xếp cơ cấu tổ chức các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước một cách tinh gọn với các tiêu chí cụ thể. Mô hình và quy mô tổ chức bộ máy phải phù hợp với tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng loại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Cụ thể, theo Nghị quyết này, Chính phủ cần kiện toàn cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghiên cứu, xây dựng Đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 (2021 - 2026), trong đó điều chỉnh hợp lý ngành, lĩnh vực quản lý giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ để xác định hợp lý số lượng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Xác định rõ tiêu chí thành lập phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương…

Sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong để giảm tối đa cấp trung gian, thu gọn đầu mối, giảm biên chế, giảm số lượng lãnh đạo cấp phó và người giữ “hàm” lãnh đạo, quản lý; không chuyển các vụ thành cục, tổng cục…

Ngoài ra, Nghị quyết cũng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính ở địa phương theo hướng thu gọn đầu mối, giảm cấp trung gian, tăng cường quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Không nhất thiết cấp trên có cơ quan, tổ chức nào thì cấp dưới có cơ quan, tổ chức đó và ngược lại.

Đồng thời, tổ chức rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng kiên quyết thu gọn đầu mối. Nghiên cứu thí điểm việc hợp nhất một số cơ quan có nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện.

Nghị quyết nêu rõ, ở một số địa phương đủ điều kiện, có thể thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung để có cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung luật trước khi áp dụng chung.

Rà soát, giảm số lượng các ban chỉ đạo, tổ chức phối hợp liên ngành ở cả trung ương và địa phương; giải thể những tổ chức không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả...