Bộ trưởng Bộ Công an:

Sẽ rà soát tiếp thu chỉnh sửa để các khái niệm dự luật chính xác, chặt chẽ, dễ hiểu

ANTD.VN -  Đó là khẳng định của Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu giải trình sau khi nghe các ý kiến đóng góp của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về Dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tại hội trường Quốc hội diễn ra vào chiều 7-11.

Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu giải trình các ý kiến của ĐBQH

Quy định chặt chẽ đối với người có quyền được nổ súng

Tại phiên thảo luận về Dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chiều 7-11, nhiều ĐBQH cho rằng, việc ban hành Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm quyền con người, tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) nêu, thực tế đáng lo ngại hiện nay là việc mua bán tiền chất nổ công khai trên mạng xã hội, tội phạm có thể chế tạo thuốc nổ dễ dàng, thuận lợi.

Dẫn chứng vấn đề trên, ĐB Nguyễn Hữu Cầu đưa ra ví dụ như,  ở tỉnh Nghệ An có một số cơ sở khai thác thác mỏ đá dùng tiền chất nổ để chế tạo thuốc nổ có sức công phá lớn nhưng khi phát hiện bắt giữ khó xử lý hình sự. Do vậy, đề nghị Quốc hội bổ sung thêm hành vi chế tạo, vận chuyển, tàn trữ trái phép tiền chất thuốc nổ vào Bộ luật Hình sự để ngăn chặn hành vi nguy hiểm này.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội), dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được chuẩn bị thận trọng, chi tiết đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm, quốc phòng an ninh trong thời kỳ mới.

Tuy nhiên, để sớm đi vào cuộc sống, Luật phải quy định rõ thẩm quyền trách nhiệm quản lý của cơ quan được giao quản lý vũ khí vật liệu nổ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Bên cạnh đó, các quy định về chức năng quyền hạn người được nổ súng cần chặt chẽ, nếu không sẽ dẫn đến lạm quyền.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu phát biểu tại hội trường Quốc hội

Còn ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đề nghị làm rõ tiêu chuẩn, trách nhiệm của người sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ khi sử dụng phải mang theo giấy phép sử dụng riêng lẻ hay có giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền được cấp.

Trong trường hợp chống người thi hành công vụ, việc nổ súng đã đem lại nhiều hệ lụy. Với đối tượng chống trả, đe dọa người thi hành công vụ thì cần cho phép nổ súng ngay, không cần phải sau khi đã cảnh báo, bởi đây là những hành vi manh động, nguy hiểm.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, ĐB Tô Văn Tám cho rằng, việc quy định 19 hành vi bị nghiêm cấm trong Dự thảo luật khá rõ ràng, đầy đủ.  Song theo ĐB Tám, dự thảo cần bổ sung thêm hành vi lợi dụng quyền hạn để cấp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trái quy định.

“Về tiêu chuẩn trách nhiệm người sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Dự thảo quy định về việc cấp Giấy phép sử dụng và người sử dụng phải mang theo. Với số lượng người được sử dụng vũ khí rất nhiều như công an, bộ đội, Ban soạn thảo cần xem lại quy định này. Ngoài ra, hiện nay tại các điểm thu gom sắt thép, phế liệu tiểm ẩn nguy cơ cao về vật liệu nổ. Do đó, cần quy định trách nhiệm của chính quyền sở tại về vấn đề này để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc” - ĐB Tô Văn Tám nói.

Tiếp tục rà soát, chỉnh sửa

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp của ĐBQH về Dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã phát biểu giải trình về một số nội dung liên quan. Về phạm vi điều chỉnh của Dự án luật, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, Luật này quy định điều chỉnh đối với vũ khí, vật liệu nổ tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ, trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh về dự thảo quy định về vũ khí.

Do vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ con người và an ninh quốc gia, nên cần phải quy định trong Luật này nhằm quản lý chặt chẽ, hạn chế đối tượng lợi dụng sử dụng vật liệu nổ phạm tội, hoặc liên quan đến các tổ chức khủng bố. Vũ khí hạng nặng, vũ khí sinh học, vũ khí hóa học không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.

ĐB Tô Văn Tám

Về việc bổ sung, điều chỉnh các khái niệm về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ theo hướng giải thích về quy chuẩn, tính năng tác dụng, cách nhận biết và mục đích sử dụng, không liệt kê... Ban soạn thảo thấy ý kiến tham gia của các đại biểu hợp lý và dự kiến sẽ rà soát tiếp thu chỉnh sửa các khái niệm chính xác, chặt chẽ, dễ hiểu.

Liên quan đến quy định về nổ súng tại Điều 21 trong Dự thảo luật, đây là nội dung đặc biệt quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ con người và đảm bảo an ninh quốc gia, TTATXH. Do đó, trên cơ sở các ý kiến của các ĐBQH, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy định về nổ súng nhằm đảm bảo tính chặt chẽ cho các lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ, phù hợp với các bộ luật khác có liên quan, nhất là BLHS.

Đối với quy định về nghiên cứu, chế tạo, kinh doanh xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp, quản  lý và sử dụng vật liệu nổ, Dự thảo Luật đang quy định việc sản xuất kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp thuộc doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng…

Vì theo quy định của các Luật đầu tư, doanh nghiệp thì ngành nghề kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không giới hạn nhà đầu tư mà chỉ yêu cầu khi kinh doanh trong lĩnh vực này, nhà đầu tư phải đáp ứng được các điều kiện do Chính phủ quy định.