Sẽ nâng chuẩn trình độ của 160.000 giáo viên Tiểu học từ trung cấp lên đại học?

ANTD.VN - Sáng 29-5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Trong báo cáo này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Về tên Luật, Ủy ban tán thành tên gọi là “Luật Giáo dục sửa đổi” để phù hợp với phạm vi sửa đổi.

Dự thảo Luật đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.

Đa số thành viên Ủy ban tán thành với nội dung sửa đổi để thực hiện chính sách theo đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi với đối tượng làm việc trong ngành giáo dục; tránh lãng phí ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho người học trong tiếp cận chính sách; bổ sung quy định về việc hoàn trả đối với những người tự đóng học phí.

Về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, Ủy ban cho rằng, nhà giáo là đội ngũ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung về nhà giáo trong Dự thảo Luật chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, vẫn chỉ là những quy định chung, chưa rõ yêu cầu và chính sách, dẫn đến hạn chế trong thi hành. Đối với chính sách lương của nhà giáo, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cần bám sát Nghị quyết của Đảng để thể chế hóa trong Luật, tạo cơ sở để Chính phủ xây dựng các đề án cải cách tiền lương.

Dự thảo Luật cũng đề xuất nâng trình độ chuẩn về đào tạo nhà giáo với một số cấp học và trình độ đào tạo, gồm giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở, giảng viên giảng dạy trình độ đại học và giảng viên giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ.

Ủy ban cơ bản tán thành với việc nâng trình độ chuẩn đào tạo của giảng viên đại học và giáo viên trung học cơ sở như đề xuất của Chính phủ nêu trong Dự thảo Luật, đồng thời nhấn mạnh, việc chuẩn hóa đội ngũ không chỉ ở tiêu chí trình độ đào tạo, mà quan trọng là chất lượng đào tạo và năng lực làm việc phù hợp với vị trí việc làm của nhà giáo.    

Song đối với giáo viên tiểu học, nhiều đại biểu còn băn khoăn về tính khả thi của phương án nâng chuẩn trình độ đào tạo từ trung cấp lên đại học vì hiện nay, còn đến 40% (khoảng 160.000) số giáo viên tiểu học có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở xuống, trong đó chủ yếu tập trung ở các địa bàn khó khăn, thiếu giáo viên.

Nhiều ĐBQH còn băn khoăn về tính khả thi của phương án nâng chuẩn trình độ đào tạo từ trung cấp lên đại học  đối với giáo viên Tiểu học (ảnh minh họa)

Về nội dung này, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá đầy đủ hơn tình hình thực tiễn, xác định lộ trình, phương thức đào tạo nâng chuẩn để bảo đảm tính khả thi; đánh giá tác động đối với hệ thống các trường cao đẳng sư phạm và số giáo sinh sư phạm đang theo học hệ cao đẳng khi chính sách này được thực hiện.

Đồng thời, Ủy ban cũng đề nghị bổ sung quy định ưu đãi lương gắn với trình độ đào tạo hoặc văn bằng của nhà giáo trong Dự thảo Luật để khuyến khích sinh viên lựa chọn theo học trình độ phù hợp với khả năng của mình, khuyến khích nhà giáo tích cực học tập để nâng chuẩn đào tạo.

Đối với vấn đề chi phí giáo dục, đào tạo và học phí, Ủy ban tán thành tính đúng, đủ chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo, làm căn cứ để đầu tư bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, cần nghiên cứu để làm rõ trách nhiệm về tài chính của Nhà nước tương ứng với từng cấp học và trình độ đào tạo; bổ sung cơ chế và tiêu chí để Nhà nước làm căn cứ khi cấp học phí phải cấp đủ chi phí dịch vụ giáo dục cơ bản (cả công lập và ngoài công lập) dựa trên quyền của người học, đặc biệt ở bậc học phổ cập; bổ sung cơ chế giám sát của Nhà nước và xã hội đối với học phí các cơ sở giáo dục ngoài công lập; làm rõ nội hàm, tiêu chí, điều kiện triển khai “dịch vụ giáo dục chất lượng cao”, vừa để bảo đảm quyền lợi của người học, vừa để bảo đảm bình đẳng giữa cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.

Về việc thí điểm trong lĩnh vực giáo dục, Ủy ban cho rằng, giáo dục là một lĩnh vực quan trọng, đối tượng và phạm vi ảnh hưởng lớn, tác động lâu dài tới đời sống, xã hội. Do đó, cần cẩn trọng khi quyết định những thay đổi trong chính sách giáo dục, nhất là những chính sách liên quan đến bộ máy tổ chức, chương trình giáo dục…, cẩn trọng trong những hoạt động thí điểm, thực nghiệm trong quy trình xây dựng chính sách giáo dục.