Thiếu tướng, PGS, TS Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an:

Sẽ là thảm họa của Trung Quốc khi bị 8 tỷ người trên hành tinh cô lập vì nhận ra bộ mặt thật của họ

ANTĐ - Trong những ngày này, 90 triệu người dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình dõi ra Biển Đông nơi Hoàng Sa thân yêu của chúng ta dậy sóng. Kể từ khi Cục Hải sự Trung Quốc thông báo đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 xuống Biển Đông, tất thảy đồng bào Việt Nam từ văn sĩ, trí thức cho đến những người lao động bình thường nhất đều dõi theo những tin tức phát đi từ truyền hình, từ báo chí, mọi thông tin dù nhỏ nhất từ biển đảo quê hương đều được người dân quan tâm. Trên mạng, giới trẻ cũng đồng loạt thay đổi avatar hình ảnh cờ Tổ quốc, hướng về Biển Đông. Lúc này, chủ quyền lãnh thổ là tối thượng. Hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông đã gây nên sự căm phẫn không chỉ của người dân Việt Nam mà cộng đồng quốc tế đã lên tiếng phản đối. Ngay cả chính các học giả của Trung Quốc cũng không thể chấp nhận hành động phi lý này.
Sẽ là thảm họa của Trung Quốc khi bị 8 tỷ người trên hành tinh cô lập vì nhận ra bộ mặt thật của họ ảnh 1


- Thưa PGS, ông bình luận như thế nào về việc Cục Hải sự Trung Quốc thông báo đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 xuống vùng biển của Việt Nam vào ngày 2-5 vừa qua?

- Cục Hải sự Trung Quốc đã thông báo đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 xuống Biển Đông ở tọa độ 15 độ 29 phút, 58 giây, vĩ đỗ Bắc  và 11 độ 12 phút, 06 giây, kinh độ Đông từ ngày 2-5 đến 15-8-2014. Tọa độ mà giàn khoan Haiyang Shiyou 981 của Trung Quốc tác nghiệp nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, toàn bộ tài nguyên nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế này thuộc về chủ quyền của quốc gia ven biển. Các cá nhân và quốc gia nước ngoài muốn khai thác  trong vùng đặc quyền kinh tế này phải được sự đồng ý của Nhà nước quốc gia ven biển. Trong trường hợp này phải được sự đồng ý của Nhà nước Việt Nam. Nếu không được sự đồng ý của Nhà nước Việt Nam mà Trung Quốc khai thác dầu khí là vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, vi phạm Công ước về Luật Biển năm 1982. Thực chất là xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với vùng đặc quyền kinh tế này của Việt Nam.  

Như vậy là ta phải khẳng định việc đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 của Trung Quốc vào tọa độ này để tác nghiệp là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam được quốc tế bảo hộ mà trực tiếp là Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982. Họ đã đã vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và vi phạm về tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC).

- Hành động này của Trung Quốc, thêm một lần nữa cho cộng đồng thế giới nhìn rõ một cách toàn diện nhất, đầy đủ nhất bản chất của Trung Quốc là tham vọng độc chiếm Biển Đông, đồng thời một lần nữa chứng minh Trung Quốc thường nói một đằng làm một nẻo?

- Không chỉ vi phạm các định chế quốc tế, chính họ, lãnh đạo Trung Quốc đã vi phạm những tuyên bố và

Sẽ là thảm họa của Trung Quốc khi bị 8 tỷ người trên hành tinh cô lập vì nhận ra bộ mặt thật của họ ảnh 2

Vùng đặc quyền kinh tế có chế độ pháp lý riêng do Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 quy định về các quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển. Cụ thể như sau:

 Quốc gia ven biển có các quyền chủ quyền về việc thăm dò, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước đáy biển, của đáy biển và vùng đất dưới đáy biển cũng như những hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế.

Đối với các tài nguyên không sinh vật, quốc gia ven biển tự khai thác hoặc cho phép quốc gia khác khai thác cho mình và đặt dưới quyền kiểm soát của mình. Đối với các tài nguyên sinh vật, quốc gia ven biển tự định tổng khối lượng có thể đánh bắt, khả năng thực tế của mình và số dư có thể cho phép các quốc gia khác đánh bắt.

- Quốc gia ven biển có quyền tài phán về việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình nghiên cứu khoa học về biển, bảo vệ và giữ gìn môi trường biển (quyền tài phán quốc gia là quyền của các cơ quan hành chính và tư pháp của quốc gia thực hiện và giải quyết các vụ việc theo thẩm quyền của họ).
Quốc gia ven biển có quyền thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các quy định luật pháp của mình.

- Các quốc gia ven biển có nghĩa vụ thi hành các biện pháp thích hợp để bảo tồn và quản lý nhằm làm cho việc duy trì các nguồn lợi sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế của mình khỏi bị khai thác quá mức.

cam kết mà họ đã đưa ra. Cách đây 2 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc - Tập Cận Bình đã cam kết hai bên không làm gì phức tạp thêm nữa. Chuyến đi của ông Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sang Việt Nam tháng 11-2013 cũng có cam kết rằng hai bên giữ nguyên trạng không làm gì phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông. Tại Diễn đàn ASEAN+1, ông Tập Cận Bình với tư cách là Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tuyên bố với 10 nguyên thủ quốc gia ASEAN rằng Trung Quốc và các nước ASEAN là có chung vận mệnh, cùng sướng khổ có nhau và nên tiến tới tiến trình hợp tác hữu nghị phát triển giữa Trung Quốc và ASEAN. Ông Tập Cận Bình đã cam kết với 10 nguyên thủ quốc gia rằng Trung Quốc sẽ là một thành viên có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình ổn định cùng phát triển khu vực ASEAN. Rồi sau đó, ông Lý Khắc Cường - Thủ tướng Trung Quốc cũng tiếp tục cam kết với các nước ASEAN như vậy. 

Như thế có nghĩa là, chính những người lãnh đạo Trung Quốc đã phản bội lại cam kết và hứa hẹn của mình. Hay nói cách khác họ thường xuyên nói một đằng, làm một nẻo. Việc đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để khai thác là hành động một lần nữa chứng minh đầy đủ nhất. Vì thế cộng đồng quốc tế không tin được Trung Quốc nói mà phải theo dõi hành động của họ để đánh giá mức độ trung thực của họ. Đây không phải là lần đầu tiên mà ít ra từ năm 2000 đến bây giờ trong những năm đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc cũng đã có hơn một chục lần nói một đằng làm một nẻo trên diễn đàn quốc tế cả song phương và đa phương. Hành động của họ lần này là hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Ta phải xác định bản chất của hành động này của Trung Quốc.

- Vậy bản chất của hành động này là gì thưa ông?

- Giàn khoan Haiyang Shiyou 981 thuộc Tập đoàn Dầu khí Hải dương của Trung Quốc  là một đơn vị kinh tế Nhà nước quốc doanh do Nhà nước sở hữu. Nên việc đưa giàn khoan này vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không phải là chủ chương của Tập đoàn Dầu khí Hải dương mà là chủ trương của Nhà đương cục Trung Quốc. Chúng ta cần phải hiểu rằng, đây không phải là việc xâm phạm của một đơn vị kinh tế mà là của Nhà nước Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.

Đây là cuộc xâm phạm thô bạo vào chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Chúng ta phải nói thẳng với Trung Quốc và nói với 90 triệu người Việt Nam và 8 tỷ người trên hành tinh biết: Việt Nam không bao giờ kích động chủ nghĩa dân tộc để chống Trung Quốc; Việt Nam không liên kết với bất cứ nước nào để chống Trung Quốc nhưng chủ quyền quốc gia phải được đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, bất cứ thời kỳ nào cũng phải huy động toàn dân để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. 

- Dư luận quốc tế đã lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc, với tư cách của một nhà nghiên cứu, ông dự báo dư luận quốc tế sẽ  có phản ứng  tiếp theo như thế nào về hành động trắng trợn này của Trung Quốc?

- Cộng đồng quốc tế, những người trung thực trên hành tinh này đều thấy hành động của Trung Quốc là vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc mà Trung Quốc là Ủy viên Thường trực Hội đồng bảo an, là vi phạm Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982 mà họ là một bên tham gia ký kết và cam kết, họ đã vi phạm DOC, vi phạm cam kết với ASEAN và vi phạm hàng loạt những định chế quốc tế mà Trung Quốc tham gia. 

Còn phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với việc này thì tùy theo điều kiện của từng nước, có nước phản ứng công khai, có nước không công khai, nhưng có thể nói hành vi của Trung Quốc đã và sẽ còn bị lên án. Tất nhiên thái độ của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc còn một phần tùy thuộc vào sự phản ứng của Việt Nam nữa. 

Ở đây trong vấn đề này, theo một trong những luận điểm cơ bản của Đảng ta và Nghị quyết Đại hội 6, 7, 8, 9, 10, 11 nói sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Việt Nam phản đối kiên quyết, rõ ràng, thế giới sẽ có sự ủng hộ mạnh mẽ hơn. 

- Ông đã từng cho rằng Trung Quốc sẽ sa lầy ở Biển Đông nếu như bất chấp đạo lý, chà đạp lên luật pháp quốc tế để đạt được tham vọng của mình?

- Nếu như Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, chà đạp lên Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế thì Trung Quốc không chỉ sa lầy ở Biển Đông, mà còn bị thế giới cô lập. 8 tỷ người trên hành tinh này, họ sẽ nhận diện ra bộ mặt thật của Trung Quốc. 

Đúng ra họ cần phải thực tâm thực lòng là một nước lớn có trách nhiệm, họ sẽ được nhiều hơn thế. Nhưng họ lại hung hăng gây hấn, hòng độc chiếm Biển Đông. Chính họ đang rước họa vào thân. Chiếm được Biển Đông thì họ được 1, nhưng họ mất 100, niềm tin chính trị bị phá vỡ, họ sẽ bị cộng đồng quốc tế cô lập, lên án và phản đối. Cái này là thảm họa.

- Xin cảm ơn ông!

Dư luận quốc tế phản đối hành động của Trung Quốc

Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là trái luật quốc tế và Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về cách hành xử hiếu chiến của mình. Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng này. 

(Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain)

Chúng tôi không chấp nhận việc dùng vũ lực và áp bức nhằm làm thay đổi hiện trạng của khu vực. Chính sách đối ngoại và sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh đang trở thành mối quan ngại cho cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản. 

(Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe)
Chúng tôi vô cùng quan ngại khi có thông tin rằng nhiều tàu Việt Nam bị hư hỏng và một số người bị thương. Chúng tôi lo ngại sâu sắc khi căng thẳng trong khu vực gia tăng và nhận thấy vụ việc này là một phần trong những hành động đơn phương và khiêu khích của Trung Quốc. Trung Quốc cần phải giải thích với Việt Nam và cộng đồng quốc tế về cơ sở hành động của nước này. Tokyo muốn Bắc Kinh tránh các bước đi khiêu khích và tự kiềm chế trong hành động.

(Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga)
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan đến vùng biển nói trên là “gây hấn và vô ích” đối với an ninh trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi các bên có cách ứng xử phù hợp và an toàn, kiềm chế và giải quyết vấn đề tuyên bố chủ quyền một cách hòa bình, thông qua con đường ngoại giao và tuân theo luật quốc tế. 

(Phát ngôn viên Nhà Trắng Mỹ Jen Psaki)

Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Cũng như Việt Nam, Trung Quốc đã tham gia UNCLOS. Vì thế Trung Quốc cần tôn trọng quyền hợp pháp đã được khẳng định của Việt Nam đối với vùng biển này. 

(Học giả Andrew Billo, nghiên cứu về Đông Nam Á thuộc Hiệp hội châu Á - Asia Society)
GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên PGĐ Đại học Quốc gia Hà Nội: Cần phải cho dư luận thế giới hiểu rõ các quyền hợp pháp của Việt Nam

Dưới góc nhìn của tôi, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam là một “kịch bản nguy hiểm”. Thực chất việc này không khác tính chất việc Trung Quốc đem hàng chục tàu cá lẫn tàu chiến ra đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974. Vậy lúc này chúng ta ứng xử thế nào? Theo tôi quan điểm kiên quyết bảo vệ chủ quyền cần được chúng ta thể hiện rõ và nhân dân đang trông chờ vào điều đó. Ý đồ chiếm Biển Đông của Trung Quốc là quá rõ ràng, sự hiện diện của giàn khoan không khác gì một cái đảo nổi để nối dài về phía Nam của đảo Hoàng Sa. Chính phủ cần có những thái độ cứng rắn, nếu chúng ta không tỏ thái độ mạnh mẽ sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt: quốc tế sẽ nhìn chúng ta với con mắt khác, Trung Quốc sẽ nhìn ứng xử của Việt Nam với con mắt khác. Quan điểm của chúng ta là không  sử dụng đến “sức mạnh cứng”, chúng ta luôn ủng hộ biện pháp ngoại giao, hòa bình nhưng chúng ta cũng phải thể hiện quan điểm rõ ràng để cho dư luận thế giới hiểu rõ rằng các quyền hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông đến đâu và những hành động của Trung Quốc đã bất hợp pháp như thế nào. Công việc tuyên truyền này cần được đẩy mạnh và tiến hành thường xuyên bằng những chứng cứ pháp lý rõ ràng.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: Nhân dân Việt Nam sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng ý chí của mình

Việc nhà cầm quyền Trung Quốc đưa giàn khoan vào để thực hiện việc thăm dò và khai thác dầu khí ở vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam là một hành động khiêu khích và gây chiến. Hành động này như chính quyền Việt Nam đã ra tuyên bố tại cuộc họp báo quốc tế rõ ràng đã xâm phạm luật pháp quốc tế, vi phạm những thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước và đi ngược lại nguyện vọng hòa bình hợp tác của nhân dân hai nước. Đối với tôi, với tư cách là một văn nghệ sĩ, một nhà nghiên cứu khoa học đã 2 lần được ra thăm quần đảo Trường Sa của Tổ quốc, trước tin này tôi hết sức phẫn nộ và cực lực phản đối. Đưa giàn khoan xuống Biển Đông, nằm trong âm mưu có tính toán lâu dài của nhà cầm quyền Trung Quốc. Hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc lần này đã biểu lộ chủ nghĩa bành trướng, trong thế kỷ 21 này. Tư duy như vậy là cực kỳ nguy hiểm và cần phải loại bỏ. Tôi tin rằng, một khi đã động đến tinh thần tự chủ, lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam thì nhân dân Việt Nam sẽ kiên quyết bằng tất cả ý chí của mình để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và chủ quyền của đất nước.
Đạo diễn Hoàng Công Cường: Sẵn sàng sát cánh cùng những trái tim
yêu nước để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc


Sinh ra, lớn lên trong hòa bình, ổn định và phát triển như ngày hôm nay, chúng tôi luôn hiểu được những giá trị được đánh đổi bằng xương máu của thế hệ cha ông đi trước để bảo vệ chủ quyền của dân tộc Việt Nam - một dân tộc chưa bao giờ biết khuất phục trước bất kì kẻ thù xâm lăng nào. Mỗi mảnh đất của Việt Nam là máu của người Việt Nam, là da là thịt của người Việt Nam, là tương lai sau này của những thế hệ tiếp nối, đó là tuyên ngôn cũng như những tinh thần mà mỗi người dân Việt Nam đều ghi nhớ.

Hành động gây hấn của Trung Quốc trong những ngày gần đây khiến không chỉ bản thân tôi mà bất cứ người dân Việt Nam nào cũng đều bất bình, căm phẫn.
 
Nghệ sĩ chúng tôi sẽ luôn sẵng sàng sát cánh cùng với những trái tim yêu nước đứng lên để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ máu thịt của Việt Nam, bảo vệ những giá trị truyền thống của ông cha ta đã gây dựng, bảo vệ những điều thuộc về lẽ phải, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế: Cần khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án  quốc tế về Luật Biển
Việc đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 và nhiều tàu Trung Quốc vào vùng biển thuộc thềm lục địa Việt Nam là một thủ đoạn mới trong âm mưu xâm chiếm vùng biển nước ta. Động thái của họ hiện nay là thăm dò, nhưng sau đó sẽ là khai thác dầu khí tại thềm lục địa nước ta, không chỉ 1 điểm mà sẽ là nhiều điểm. Trước hết, khai thác dầu khí tại khu vực Tây Philippines và Đông Việt Nam, tiến tới khu vực Malaysia đang kiểm soát ở cực Nam Biển Đông. Mục đích là hoàn thành chủ trương “tích cực lấn chiếm, tích cực khai thác” biển Đông được Bắc Kinh theo đuổi mấy năm gần đây. 

Hành động trên cũng cho thấy rõ ràng một âm mưu của Trung Quốc là “lục hoãn, hải khẩu” (trên đất liền hòa hoãn, dưới biển tranh chấp) với Việt Nam và kế sách của họ là “ba bước tiến, hai bước lùi”, bao giờ cũng lợi một bước. Chúng ta cần kiên quyết, không để Trung Quốc biến vụ việc này thành “việc đã rồi”, vì nếu chúng ta càng nhân nhượng thì Trung Quốc sẽ càng lấn tới. Đấu tranh pháp lý là một thế mạnh mà chúng ta chưa sử dụng. Trung Quốc rất e ngại việc này vì họ bất lợi về pháp lý. Vì vậy, chúng ta cần khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về Luật Biển giống như Philippines nếu Trung Quốc không rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.