Sẽ kiểm tra khí thải xe máy phân khối lớn

ANTD.VN - Đề án “Kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe máy” được phê duyệt lần đầu vào năm 2010, nhưng Bộ GTVT thừa nhận đã thất bại hoàn toàn. Và mới đây, Bộ GTVT tiếp tục có tờ trình Chính phủ và xin ý kiến các bộ, ngành về kiểm soát khí thải xe máy.

20.000 xe máy dung tích từ 175cm3 trở lên có thể sẽ phải kiểm tra khí thải từ 2018

Phá sản đề án cũ

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, việc kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy được khởi động nghiên cứu từ năm 2006, và đến năm 2010 đã ban hành Đề án kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe máy tại các đô thị. Tuy nhiên, hầu hết các mục tiêu cơ bản của Đề án đến nay đều không đạt được.

Bộ GTVT đánh giá, lý do về mặt khách quan là do kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy là vấn đề xã hội lớn, nhạy cảm, phức tạp, vì liên quan đến đa số người dân ở các thành phố lớn với đủ mọi đối tượng, thành phần, lứa tuổi và có nhận thức rất khác nhau. 

Xe mô tô, xe gắn máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu trong những năm tới, đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong thành phố. Lượng xe mô tô, xe gắn máy đăng ký mới tiếp tục tăng nhanh, gấp 1,5 lần so với thời điểm phê duyệt Đề án. Riêng tại Hà Nội và TP.HCM, lượng xe tăng lên gần gấp đôi trong 5 năm qua, ngày càng gây khó khăn cho việc triển khai.

Hơn nữa, đa số người sử dụng chưa nhận thức rõ mức độ ảnh hưởng, tác hại của khí thải và tác dụng, sự cần thiết phải kiểm tra khí thải, bảo dưỡng, sửa chữa để đảm bảo độ bền, hiệu quả hoạt động, giảm khí thải độc hại, tiết kiệm nhiên liệu. Trong khi đó, bản thân cơ quan chức năng cũng còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận với chủ trương thu phí kiểm tra khí thải trực tiếp từ người sử dụng xe mô tô, xe gắn máy. Mặc dù mức giá kiểm tra khí thải theo đánh giá của Bộ GTVT là rất nhỏ so với chi phí nhiên liệu. 

Bên cạnh những lý do khách quan khiến Đề án kiểm soát khí thải xe máy năm 2010 không thể triển khai, thì  Bộ GTVT cho rằng, phạm vi thực hiện của Đề án quá rộng, bao gồm 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, 17 thành phố loại 1, 24 thành phố loại 2 thuộc 20 tỉnh, trong khi chưa xây dựng được lộ trình thời gian hợp lý.

Đáng nói, mục tiêu Đề án năm 2010 chưa khả thi, đặt ra mục tiêu hoàn thành trong thời gian quá ngắn (5 năm, 2010-2015), không được thí điểm, tổng kết rút kinh nghiệm trước khi triển khai đồng loạt. Đặc biệt chưa xác định rõ, đề cao vai trò của chính quyền địa phương và cấp chịu trách nhiệm chính, chủ trì triển khai kiểm soát khí thải mô tô, xe máy tại địa phương mình.

Thí điểm với xe phân khối lớn

Dù vậy,  Bộ GTVT cho rằng, cần thiết phải kiểm soát khí thải của xe mô tô, xe máy. Bởi, ô nhiễm không khí ngày càng trở nên trầm trọng tại các thành phố lớn, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, hạn chế chất lượng cuộc sống.

Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, ô nhiễm không khí trong đô thị chủ yếu do hoạt động của các loại xe cơ giới, chiếm tới 70-90%. Trong khi, số lượng xe mô tô, xe gắn máy tiếp tục tăng nhanh. Thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an cho thấy, hết năm 2015, cả nước có xấp xỉ 49 triệu xe máy được đăng ký. 

Tại tờ trình Chính phủ về Đề án kiểm soát khí thải xe máy mới đây của Bộ GTVT đưa ra lộ trình: Giai đoạn từ 2018-2020 hoàn thiện các văn bản pháp quy, xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị định quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy, bổ sung nghị định xử phạt hành chính với hành vi vi phạm khí thải xe mô tô, gắn máy.

Từ 1-7-2018 kiểm tra khí thải với xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên tham gia giao thông tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng (ước tính tổng cộng khoảng 20.000 xe). Giai đoạn sau năm 2020, kiểm tra, đánh giá báo cáo Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở triển khai giai đoạn tiếp theo với xe mô tô có dung tích nhỏ hơn 175 cm3 và xe gắn máy tham gia giao thông.

Bộ GTVT cho rằng, việc lựa chọn xe dung tích 175cm3 trở lên để thí điểm trước do số lượng xe ít, có thể thực hiện ngay tại các Trung tâm đăng kiểm ô tô đang lưu hành. Việc kiểm tra không áp dụng với xe lưu thông trong 5 năm đầu sử dụng, không áp dụng với xe công an, quân đội, xe phục vụ người khuyết tật.

Thời hạn kiểm định khí thải là 1 năm/lần. Xe sau khi được kiểm tra đạt chuẩn sẽ được cấp giấy chứng nhận và dán tem xác nhận, xe có kết quả kiểm tra không đạt chuẩn phải được bảo dưỡng, sửa chữa hoặc nâng cấp. Các xe không có giấy chứng nhận, tem kiểm tra khí thải còn thời hạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Dự kiến chi phí kiểm tra khí thải người dân phải chi trả là 60.000 đồng/xe/năm.