Sẽ không có cá nhân nào được sở hữu xe túc túc

ANTĐ -  Nếu như xe túc túc được Hà Nội nhập về và cho phép lưu hành, thì cũng không có cá nhân nào được phép sở hữu.

Xe túc túc tại Thái Lan

Mới đây Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội đã đệ trình lên UBND thành phố và Bộ GTVT một bản đề xuất cho phép nhập và lưu hành xe túc túc, với mục đích góp phần hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội.

Chiều 10-9, trao đổi với P.V Báo ANTĐ, ông Bùi Danh Liên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội nói: Hiện nay, hàng ngày có một lượng xe máy cá nhân rất lớn, từ các huyện ngoại thành đổ về trung tâm Hà Nội, góp phần khiến cho mật độ các phương tiện giao thông trở nên dày đặc. Nhiều người dân nói với tôi rằng, họ cũng muốn đi xe buýt vào trung tâm: vừa rẻ vừa sạch sẽ, nhưng xe buýt hiện nay chưa thuận tiện ở chỗ: từ nhà đi ra bến xe buýt, nhiều khi xa đến vài km. Vì thế, xe túc túc sẽ là giải pháp cầu nối, hoạt động như chân rết cho xe buýt.

Theo đó, xe túc túc sẽ chỉ được phép chạy ở các tuyến đường liên thôn, liên xã và các phường xa trung tâm. Với lợi thế nhỏ nhắn, xe sẽ luồn lách đi “gom” khách từ các hộ dân rồi đưa ra bến xe buýt đúng giờ, cũng như luôn sẵn sàng đợi ở bến xe buýt, đưa khách về nhà. “Giá vé sẽ rất rẻ thôi”- ông Liên khẳng định- “Loại xe này chỉ ngốn nhiên liệu khoảng 4,6 lít/100km; đồng thời chúng tôi còn đưa ra phương án trợ giá”.

Xe túc túc tại Campuchia

Để tránh tình trạng lộn xộn cũng như các vấn đề phức tạp nảy sinh, sẽ không có cá nhân nào được phép sở hữu xe túc túc. Xe sau khi nhập về sẽ được đăng ký đứng tên các hợp tác xã theo quy hoạch cụ thể của từng huyện. Về giá thành, Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội ước tính khoảng dao động là khá lớn: Từ 60- 150 triệu đồng/xe; tùy theo nơi sản xuất: Nhật, Mỹ hay Trung Quốc. Do nguồn kinh phí đầu tư ban đầu là khá lớn, nên Hiệp hội đã tính đến phương án cho vay vốn từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, với lãi suất ưu đãi.

Vẫn theo ông Liên, việc nhập xe túc túc về không có gì chồng chéo với Nghị quyết 32 của Chính phủ hồi năm 2008, về đình chỉ xe ô tô hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3-4 bánh: “Cấm là cấm loại xe tự chế, không đủ chất lượng lưu thông. Còn xe túc túc nhập về, sẽ do Bộ GTVT lựa chọn và chỉ định nhà cung cấp độc quyền, đảm bảo các tiêu chí mới được đăng kiểm”.

Một vấn đề khác liên quan, đó là bằng lái xe túc túc. Ông Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội nhìn nhận đây là một loại xe mới, vì thế cũng phải có chuẩn mới trong việc cấp giấy phép lái xe- việc này thuộc về Bộ GTVT. Được biết khoảng 10 ngày nữa, Hiệp hội này sẽ tổ chức đoàn công tác đi Quảng Châu dự Hội chợ quốc tế ASEAN, đồng thời sẽ tới thành phố công nghiệp Liễu Châu (Trung Quốc) để tìm hiểu thực tế về xe túc túc. Trong đoàn, sẽ có 3 vị chủ nhiệm hợp tác xã, đi thăm và làm thí điểm.

Xe túc túc (tuk tuk) vốn khá phổ biến tại nhiều nước như: Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Campuchia… Cái tên tuk tuk vốn bắt nguồn từ tiếng nổ đặc trưng của dòng xe này. Không có một chuẩn mực chung nào cho xe túc túc, mà tùy điều kiện kinh tế xã hội cũng như nền văn hóa mà xe túc túc ở mỗi quốc gia có hình dáng khác nhau. Như tại Thái Lan, xe túc túc còn được gắn biển taxi, chạy ngay trong Thủ đô Bangkok; còn tại Campuchia, xe túc túc chỉ đơn thuần là xe lôi: Gắn thùng vào sau xe máy là có thể hoạt động.