Sẽ hết chuyện "du di" trong cấp phép kinh doanh hàng không

ANTD.VN - Thị trường hàng không Việt Nam được xem là khá hấp dẫn với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 20%/năm và hàng loạt doanh nghiệp đăng ký thành lập hãng hàng không mới. Nhưng mới đây, Chính phủ và Bộ GTVT đã chính thức siết lại lĩnh vực này. 

Theo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về đầu tư, xây dựng và kinh doanh trong lĩnh vực hàng không thì đầu tư, xây dựng và kinh doanh trong lĩnh vực hàng không là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi một lượng vốn đầu tư lớn. Đồng thời, đây cũng là một ngành đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, công tác đối ngoại và an toàn giao thông.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững, việc chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy phép kinh doanh vào lĩnh vực hàng không cần được xem xét một cách thận trọng và đúng quy định pháp luật; bảo đảm tuyệt đối an toàn và an ninh hàng không trong mọi tình huống.

Sẽ hết chuyện "du di" trong cấp phép kinh doanh hàng không  ảnh 1Thị trường hàng không chính thức bị siết chặt 

Siết lại việc cấp phép

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT có trách nhiệm hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng và kinh doanh trong lĩnh vực hàng không thực hiện đúng quy định tại Luật Đầu tư, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và các quy định pháp luật liên quan; đồng thời rà soát, thẩm định kỹ các trường hợp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về việc cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung cho Công ty CP dịch vụ bay và du lịch biển Tân Cảng, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT tiếp thu ý kiến các bộ, ngành và các cơ quan liên quan, hướng dẫn Công ty CP dịch vụ bay và du lịch biển Tân Cảng hoàn thiện Hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung theo đúng quy định pháp luật; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định…

Đề xuất cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung của Công ty CP Tân Cảng được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận từ tháng 1-2017. Doanh nghiệp có số vốn điều lệ 100 tỷ đồng này dự kiến duy trì đội bay 2 chiếc phục vụ bay dịch hàng không chung như bay taxi, phục vụ khách du lịch, bay khảo sát địa chất.

Hạ tầng là yếu tố quyết định

Liên quan đến việc cấp phép bay cho hãng hàng không Vietstar, vào tháng 4-2017, Chính phủ cũng đã phát đi thông báo đề xuất sẽ chỉ được xem xét sau khi đã hoàn thành xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng phương án điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện nay, phương án điều chỉnh quy hoạch đang được Bộ GTVT hoàn thiện và phải mất 2-3 năm nữa mới có thể hoàn thiện nhà ga hành khách mới và mở rộng vị trí sân đỗ tại Tân Sơn Nhất. 

Trước sự chỉ đạo quyết liệt về việc siết chặt lĩnh vực kinh doanh hàng không của Chính phủ, Bộ GTVT cũng vừa yêu cầu Cục Hàng không và các đơn vị quán triệt tinh thần này. “Để nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững, việc chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy phép kinh doanh vào lĩnh vực hàng không cần được xem xét một cách thận trọng và đúng quy định của pháp luật; bảo đảm tuyệt đối an toàn và an ninh hàng không trong mọi tình huống”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu.

Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn cho các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư, xây dựng và kinh doanh trong lĩnh vực hàng không thực hiện đầy đủ các quy định. Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không được yêu cầu là phải rà soát, thẩm định kỹ các trường hợp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung trước khi báo cáo Bộ GTVT để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tính đến cuối tháng 7-2017, các cơ quan chức năng đã cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho 4 hãng là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air, Vasco và cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung cho 4 hãng là Công ty CP hàng không Hải Âu; Hành Tinh Xanh; Lưỡng dụng Ngôi sao Việt; Công ty CP dịch vụ kỹ thuật Hàng không.

Tổng số lượng máy bay đăng ký quốc tịch Việt Nam hiện là 160 chiếc, tăng 8 chiếc so với tháng 12-2016 và tăng 19 chiếc so với cùng kỳ 2016. Như vậy, với động thái này của Chính phủ và Bộ GTVT, sẽ không còn bất kỳ sự du di nào cho các doanh nghiệp muốn tham gia thị trường hàng không khi hồ sơ chưa hoàn thiện và khi hạ tầng chưa thể đáp ứng.