Xung quanh việc quản lý và chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật:

Sẽ dừng cấp phép với các đơn vị "chây bừa" việc đóng tiền tác quyền

ANTĐ -Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định số 15/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ (quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu) và Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL hướng dẫn thi hành một số điểm trong Nghị định trên.

Một trong những nội dung được quan tâm tại buổi hội nghị trên là vấn đề thực thi quyền sở hữu tác giả trong các chương trình nghệ thuật biểu diễn.

Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề này chưa được hướng dẫn chặt chẽ trong Thông tư 01, bởi Thông tư này chỉ yêu cầu đơn vị tổ chức biểu diễn khi nộp hồ sơ xin cấp phép chỉ cần kèm theo giấy tờ cam kết với nơi cấp phép (Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa, thể thao & du lịch địa phương), trong khi Nghị định 79 và Nghị định 15 đều yêu cầu phải có văn bản cam kết thực thi đầy đủ quy định của pháp luật về quyền tác giả với tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm.

Về điều này, ông Nguyễn Đăng Chương – Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: Nghị định 15 đưa ra 3 hình thức để đơn vị tổ chức lựa chọn bổ sung vào hồ sơ xin cấp phép, trong đó văn bản cam kết với nơi cấp phép chỉ là một trong số 3 hình thức này, ngoài ra còn có bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định việc quy định 3 loại giấy tờ này tạo hành lang pháp lý thông thoáng để các tổ chức, cá nhân thực thi nghĩa vụ tác quyền. Tuy nhiên các đơn vị như Trung tâm Bản quyền tác giả phải có trách nhiệm giám sát và phát hiện ra các đơn vị không chịu đóng tiền tác quyền, kịp thời báo cho Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương để ngừng việc cấp phép tổ chức biểu diễn đối với các đơn vị này.

 Sẽ dừng cấp phép với các đơn vị "chây bừa" việc đóng tiền tác quyền ảnh 1

Danh ca Khánh Ly từng gặp sự cố khi về nước biểu diễn do đơn vị tổ chức chương trình và Trung tâm Bản quyền tác giả Việt Nam không tìm được tiếng nói chung về vấn đề bản quyền tác giả

Cũng tại hội nghị, nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn cũng được đại diện nhiều cơ quan quản lý văn hóa địa phương đề cập đến, như cần kéo dài thời hạn thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh băng đĩa hình, karaoke; xem xét việc cấp phép với cả các hoạt động nghệ thuật ở phòng trà, quán bar…

Tuy nhiên ông Nguyễn Đăng Chương cho rằng một trong những điểm ưu tiên của Nghị định là cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ các thủ tục rườm rà, tạo điều kiện cho các cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Vì thế việc gia hạn thời gian thẩm định hồ sơ xin cấp phép của các đơn vị kinh doanh, tổ chức nghệ thuật biểu diễn, cũng như việc quy định cấp phép đối với hoạt động biểu diễn ở các tụ điểm ca nhạc nhỏ lẻ kể trên là không cần thiết.

Liên quan đến cấp phép biểu diễn cho các nghệ sĩ nước ngoài, nghệ sĩ hải ngoại hoạt động tại Việt Nam, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng việc này đã có quy định phân cấp rõ ràng. Theo đó, các chương trình có yếu tố nước ngoài thì chỉ có UBND tỉnh mới có thẩm quyền cấp phép, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ giám sát chương trình có sai phạm không. Ngoài ra, đơn vị biểu diễn ở địa phương nào thì xin cấp phép ở địa phương đó, chỉ có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới có thẩm quyền cấp phép biểu diễn trên toàn quốc.

Dự kiến sau hội nghị này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ hợp nhất Nghị định 79 và Nghị định 15 trên tinh thần bám sát thực tiễn đời sống nghệ thuật hiện nay trước khi phổ biến rộng rãi.