Sẽ đánh thuế hoạt động bán hàng qua mạng xã hội?

ANTD.VN - Có tới 35% doanh nghiệp và hàng triệu cá nhân, hộ kinh doanh đang bán hàng trên mạng xã hội. Rất nhiều trong số đó doanh thu “khủng” nhưng không nộp thuế. 

Từ thực tế trên, các chuyên gia cho rằng, đang có sự không công bằng với những người nộp thuế. Một số nhà quản lý cũng đã đặt vấn đề cần tính tới việc thu thuế đối với người bán hàng trên mạng xã hội. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này đang có nhiều ý kiến trái chiều về tính pháp lý cũng như tính khả thi.

Sẽ đánh thuế hoạt động bán hàng qua mạng xã hội? ảnh 1Việc thu thuế hoạt động bán hàng trên mạng xã hội là vô cùng khó khăn

Ngân sách thất thu thuế

Bán hàng trên mạng xã hội đang là một trào lưu ở khắp nơi. Từ các doanh nghiệp lớn đến những bà nội trợ, dân công sở, rồi cả sinh viên cũng có thể tham gia. Chỉ cần một tài khoản mạng xã hội là có thể đăng bất cứ mặt hàng nào mình cần bán. Bán hàng qua mạng đã đem lại thu nhập chính cho nhiều người, thậm chí tạo công ăn việc làm cho hàng loạt nghề “ăn theo” như đội ngũ shipper (vận chuyển hàng), dịch vụ quảng cáo trên mạng xã hội...

Dù vậy, việc thu thuế từ hoạt động bán hàng trên mạng xã hội lại rất khó khăn, thậm chí trong nhiều trường hợp là bất khả thi. Trao đổi với phóng viên, một cán bộ ngành thuế cho biết, doanh nghiệp hoạt động bán hàng trên mạng thì Nhà nước vẫn thu được thuế vì đây chỉ là một kênh bán hàng và doanh nghiệp vẫn hạch toán doanh số. Tuy nhiên, với những cá nhân bán hàng không đăng ký kinh doanh thì chưa thu được thuế. 

Thu thuế thế nào?

Trao đổi về vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng việc đặt vấn đề thu thuế đối với hoạt động bán hàng qua mạng xã hội là chưa hợp lý. Bởi mạng xã hội như facebook, zalo... chỉ là mạng truyền thông xã hội đóng vai trò trung gian cung cấp thông tin chứ không phải một sàn giao dịch điện tử hay website thương mại điện tử.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, trong cách đặt vấn đề đang có sự nhầm lần. Theo ông Trương Thanh Đức, hoạt động kinh doanh hiện nay chỉ có 2 hình thức là trực tiếp và qua thương mại điện tử. Trong đó, bán hàng qua facebook thực ra không phải thương mại điện tử. “Đang có sự nhầm lẫn giữa thương mại điện tử với việc tận dụng công nghệ trong trao đổi, tiếp nhận thông tin, quảng cáo. Trước đây, người ta bán qua điện thoại, ai gọi điện đến thì tôi giao hàng còn bây giờ tôi có thêm facebook, nó cũng như cái điện thoại nhưng miễn phí và tiện lợi hơn rất nhiều”. 

 “Nếu là doanh nghiệp, hộ kinh doanh thì ngành thuế phải thu thuế theo quy định, không cần biết anh bán hàng ở cửa hàng, bán hàng rong hay qua facebook, zalo... Còn các dạng khác thì cơ quan chức năng phải có trách nhiệm theo dõi, phát hiện, quản lý như thế nào để đôn đốc, yêu cầu họ kê khai nộp thuế. Cái gốc của kinh doanh là phải có đăng ký kinh doanh, có địa chỉ, mã số thuế thì mới quản lý được” - luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm.

Cũng về vấn đề này, một cán bộ ngành thuế cho rằng, chỉ nên coi mạng xã hội như một kênh thông tin của các cơ quan thuế để xem xét, sàng lọc và yêu cầu người kinh doanh kê khai nộp thuế. Bởi thực tế hầu hết các hoạt động bán hàng trên mạng xã hội đều công khai địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản... Vấn đề là cơ quan thuế có làm hay không. 

“Ở nước ngoài, mỗi cá nhân đều có mã số thuế và các giao dịch ở một mức nhất định phải thanh toán qua thẻ, nếu đến ngưỡng nộp thuế thì ngân hàng sẽ tự động khấu trừ, do vậy việc thu thuế rất dễ dàng. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ về hoạt động kinh doanh, các giao dịch chủ yếu bằng tiền mặt nên việc thu thuế là vô cùng khó” - vị cán bộ thuế cho biết.