Sẽ có Thanh tra an toàn thực phẩm

(ANTĐ) - Hôm qua, 19-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục ngày làm việc thứ 2 của phiên họp thứ 27 để xem xét, cho ý kiến đối với 4 dự án: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật An toàn thực phẩm; Luật Bưu chính và Luật Người khuyết tật.

Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Sẽ có Thanh tra an toàn thực phẩm

(ANTĐ) - Hôm qua, 19-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục ngày làm việc thứ 2 của phiên họp thứ 27 để xem xét, cho ý kiến đối với 4 dự án: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật An toàn thực phẩm; Luật Bưu chính và Luật Người khuyết tật.

Chưa biết tới bao giờ ăn uống vỉa hè mới an toàn
Chưa biết tới bao giờ ăn uống vỉa hè mới an toàn

Vẫn là hô khẩu hiệu

Liên quan đến dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, nội dung dự thảo Luật vẫn còn nhiều điểm mang tính “hiệu triệu”, hô khẩu hiệu, giống với một nghị quyết hơn là một văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, hiện nay, còn rất nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, công suất kém, tiêu hao năng lượng lớn. Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu năm 2015 có thể thay thế 20% thiết bị lạc hậu hiện nay.

Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận nói: “Tôi thấy đưa như thế này ra Quốc hội thì không ổn”. Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng ủng hộ: “Dù đã được chỉnh sửa nhưng nhìn lại toàn bộ dự luật vẫn thấy còn chung chung”. Chủ nhiệm UB Tài chính, ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển lên tiếng: “Luật cần phải đi sâu vào chế tài xử phạt chứ nếu cứ chung chung như dự luật thì khó có thể đi vào cuộc sống. Chắc chắn muốn đạt được mong muốn của các ĐBQH thì phải tiếp tục hoàn chỉnh thêm”.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình nhận xét, trong khi “ôm đồm” cả những nội dung như giảm ùn tắc giao thông, tổ chức thi công công trình... thì dự thảo luật lại rất thiếu những quy định cụ thể như thế nào là sử dụng năng lượng lãng phí, chế tài cho hành vi này ra sao. Tổng kết phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên yêu cầu Ban soạn thảo và UBTVQH rà soát lại, phân định hợp lý giữa các nội dung chính sách - yêu cầu - biện pháp để luật thực sự có ý nghĩa là một văn bản quy phạm pháp luật. 

Phải có thanh tra chuyên ngành

Trong số các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau liên quan đến dự án Luật An toàn thực phẩm (ATTP), UBTVQH đặc biệt lưu ý đến tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành về ATTP. Dự thảo Luật trình UBTVQH xem xét tại phiên họp này đã quy định rõ, thanh tra ATTP bao gồm thanh tra trong ngành y tế và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Những nội dung thanh tra chuyên ngành ATTP, việc phối hợp giữa thanh tra chuyên ngành của các bộ với một số lực lượng khác trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cũng đã được xác định. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành về ATTP.

Tuy có ý kiến đề nghị giao cho Bộ KH-CN chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với ATTP, song đa số ý kiến tán thành giao cho Bộ Y tế với lý do ATTP có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân.

Một vấn đề khác được quan tâm liên quan đến ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen. Theo Chủ nhiệm UBKHCN&MT Đặng Vũ Minh, quy định khoảng giới hạn tỷ lệ nguyên liệu biến đổi gen phải ghi nhãn ở mức dao động từ 1-5% trở lên là phù hợp. Ông Đặng Vũ Minh giải thích thêm: “Nên giao cho Chính phủ quy định cụ thể trong khoảng 1-5%, căn cứ vào kết quả nghiên cứu khoa học về mức độ an toàn của thực phẩm biến đổi gen và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ”.

Bắt buộc sử dụng lao động là người khuyết tật

Tại phiên họp, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội bức xúc bởi các quy định hiện hành bắt buộc DN sử dụng lao động là người khuyết tật (NKT) đã không được thực thi. Đa số các DN không tuyển đủ 2-3% NKT vào làm việc và cũng không thực hiện nghĩa vụ đóng góp vào Quỹ việc làm cho người tàn tật.

Một số địa phương đã lập được Quỹ lại bế tắc trong hoạt động do thiếu các văn bản hướng dẫn trong cơ chế thu chi. Đây là lý do chính khiến cho dự thảo Luật không quy định bắt buộc mà chỉ “khuyến khích” các đơn vị sử dụng lao động là NKT. Vì thế, có ý kiến cho rằng đây là một “bước lùi” so với Pháp lệnh về người tàn tật hiện hành. “Luật pháp của nhiều quốc gia cũng áp dụng quy định bắt buộc đi kèm với những chính sách khuyến khích nhằm hỗ trợ cho NKT có cơ hội có việc làm.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện theo phương án này sẽ phức tạp, đòi hỏi phải xây dựng cơ chế kiểm soát số lượng NKT làm việc, cơ chế thu chi và kiểm soát việc thu tiền của các đơn vị không nhận đủ NKT vào làm việc, cơ chế sử dụng Quỹ...”, bà Mai cung cấp thêm thông tin. 

Nhiều ý kiến thành viên UBTVQH thiên về phương án phải có quy định bắt buộc DN nhận lao động là NKT. Các DN không nhận đủ số lao động là NKT theo quy định phải đóng góp vào Quỹ việc làm cho NKT. Bên cạnh đó vẫn phải có chính sách khuyến khích sử dụng lao động là NKT. 

Thành Nam