Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát:

Sẽ cố gắng để quản lý chặt hơn

ANTĐ - Chiều qua, 19-11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời  chất vấn của các ĐBQH.

Lên tiếng đầu tiên, ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) nói: “Cử tri rất lo ngại vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, kích thích tăng trưởng… sử dụng tràn lan, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân, gây hoang mang dư luận, vậy trách nhiệm của Bộ NN&PTNT ở đâu?”. ĐB  Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) tiếp: “Hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực nông nghiệp gây bức xúc lớn. Bộ trưởng có thể hứa bao giờ kiểm soát được tình trạng này?”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời: “Bộ NN&PTNT không quản lý sản xuất và kinh doanh phân bón vô cơ. Dù vậy, khi kiểm tra, ngành cũng ghi nhận tình trạng lưu hành vật tư nông nghiệp có chất lượng kém, hàng giả, hàng ngoài danh mục… Xác định đây là nhiệm vụ số 1 của ngành, đích thân Bộ trưởng hàng tháng có họp để kiểm điểm, đôn đốc. Những nỗ lực đó có tạo chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Chúng tôi sẽ cố gắng để quản lý chặt chẽ hơn”. Bộ trưởng cũng phân trần, thanh tra nông nghiệp hiện rất yếu. Bắc Kạn chỉ có 1 thanh tra, Bắc Giang có 2 người. Bình quân cả nước mỗi tỉnh có 8-9 người...

ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) chưa hài lòng: “Quản lý Nhà nước về vật tư nông nghiệp đang bị tách rời (liên quan nhiều tới trách nhiệm của Bộ Công Thương), liệu chỉ giao cho Bộ NN&PTNT quản lý có được không”? Bộ trưởng đáp khéo léo: “Chúng tôi (Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương) phải phối hợp chặt chẽ nhưng 2 bộ cũng xác định phải “ngồi” với nhau thường xuyên hơn để chỉ đạo sát sao hơn...”

Đáp lại câu hỏi của ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) về yếu kém trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng tâm sự: “Nói tới yếu kém của ngành thì rất rộng lớn, từ nông nghiệp, lâm nghiệp, tới chăn nuôi, thủy lợi, thủy sản… Có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, có lỗi từ hệ thống cơ chế, chính sách. Thứ nữa, công tác chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và các địa phương, cấp ngành liên quan còn yếu kém”.

Nói về kỷ cương kỷ luật hành chính trong ngành nông nghiệp, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) hỏi: “Vì sao việc ngăn chặn phá rừng trồng cây cao su chưa hiệu quả, trách nhiệm Bộ trưởng ở đâu?”. Giải trình lại căn nguyên vấn đề, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận: “Có tình trạng lạm dụng chính sách và sơ hở nên đã kiến nghị Chính phủ đình chỉ chính sách này. Bộ và các địa phương đã nghiêm túc kiểm tra và kiến nghị Chính phủ giải pháp xử lý, chấn chỉnh. Rõ ràng, chúng tôi đồng trách nhiệm với địa phương trong  việc thiếu kiểm tra, chưa sâu sát”.

Chưa yên tâm, ĐB Trương Văn Vở tái chất vấn: “Bộ trưởng có thể nói rõ để cử tri an tâm, từ nay, có chấm dứt được vấn đề này không?”. Đưa ra hàng loạt số liệu, Bộ trưởng nói, có hàng trăm nghìn ha trồng vượt quy hoạch. Tất nhiên, con số này không hoàn toàn trồng trên đất rừng mà có nhiều diện tích trồng trên đất nông nghiệp. Bộ trưởng nói: “Tới đây sẽ dừng, không cho khai thác rừng tự nhiên để trồng cao su thêm nữa. Dù vậy, có nơi bà con vẫn tự ý khai thác rừng. Việc này địa phương phải quản lý. Ngành chúng tôi chịu trách nhiệm chung, song Bộ trưởng không thể lặn lội tới từng cánh đồng xem có đúng quy hoạch hay không? Ở đây có trách nhiệm liên đới của địa phương”.

Quan tâm tới vấn đề biển đảo, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) hỏi: “Ngư dân đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, hiểm nguy. Trong khi đó, chính sách dành cho ngư dân rất hạn chế. Bộ trưởng có chính sách cụ thể nào hỗ trợ ngư dân vượt khó?”. Bộ trưởng Cao Đức Phát thông tin: “Chúng ta thường xuyên có 1 triệu người hoạt động trên biển nên việc tạo điều kiện cho ngư dân hoạt động là vấn đề rất lớn. Chúng ta sẽ tiếp tục hỗ trợ ngư dân song cần giải pháp đồng bộ, gồm cả chuyển giao kỹ thuật cho bà con để bảo quản hải sản tốt hơn, không mất đi 30% giá trị khi vào tới bờ. Cùng với đó, phải tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân hình thành những tổ đội để đánh bắt, sản xuất hiệu quả hơn…”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: 1.200 cái đập ấy liệu có vỡ không?

Nghe Bộ trưởng Cao Đức Phát giải trình về an toàn hồ, đập  thủy lợi,  Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn: “Bộ trưởng phải khẳng định liệu 1.200 cái hồ, đập ấy có khả năng bị vỡ không? Chúng ta chưa có tiền hiện đại hóa, nâng cấp nhưng không được phép để vỡ vì như thế hết sức nguy hiểm. Nếu thiếu kinh phí, cần báo cáo Quốc hội, Chính phủ bố trí vốn để làm”.

Sẽ cố gắng để quản lý chặt hơn ảnh 1

ĐB  Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu): “Hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực nông nghiệp gây bức xúc lớn. Bộ trưởng có thể hứa bao giờ kiểm soát được tình trạng này?”

Sẽ cố gắng để quản lý chặt hơn ảnh 2


Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: “Xác định đây là nhiệm vụ số 1 của ngành, đích thân bộ trưởng hàng tháng có họp để kiểm điểm, đôn đốc... Chúng tôi sẽ cố gắng để quản lý chặt chẽ hơn”.

Truy trách nhiệm thủy điện xả lũ gây hại

Nhiều ĐBQH tỏ ra vô cùng bức xúc với tình trạng thủy điện xả lũ khiến “lũ chồng lũ”, gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Có ý kiến đề nghị truy trách nhiệm tới cùng. Đáng tiếc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng lại đi công tác vắng nên không thể đăng đàn trả lời trực tiếp các ĐBQH.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM): Trữ nước kiếm vài tỷ nhưng dân thiệt hại gấp cả nghìn lần

Sẽ cố gắng để quản lý chặt hơn ảnh 3

“Hôm nay chúng ta ngồi đây, đồng bào miền Trung đang ngập chìm trong lũ. Dư luận cho rằng lũ chồng lũ do nguyên nhân từ xả nước không đúng quy trình của các hồ chứa thủy điện. Vậy tôi hỏi Bộ trưởng Bộ Công Thương việc này như thế nào? Đáng ra, cần quy định trước khi bão, mưa lớn, phải xả hết nước đi, tăng dung tích hồ chứa lên chứ cứ giữ lại để mà phát điện kiếm vài tỷ đồng, nhưng khi xả lũ hạ lưu gây thiệt hại hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng và còn liên quan cả tính mạng người dân nữa. Cần bắt buộc phải thực hiện như vậy. Nếu ai không làm thì phải xử lý trách nhiệm, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm trái hoặc tội danh nào đó trong Bộ luật Hình sự thì mới đáp ứng được yêu cầu. Không thể vì lợi ích nhỏ mà hy sinh lợi ích lớn của nhân dân vùng hạ lưu như vậy.”

ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh): Phải điều tra, xử lý hình sự

Sẽ cố gắng để quản lý chặt hơn ảnh 4

“Ngay giờ phút này, bà con các tỉnh Nam Trung bộ đang khốn khổ vì lũ lụt. Chính phủ, các bộ, ngành địa phương rất tích cực và quyết liệt chỉ đạo phòng tránh bão lũ. Thế nhưng, bà con cử tri kiến nghị cần có giải pháp thật căn cơ để hạn chế thiệt hại về người, tài sản, bảo đảm đời sống của nhân dân vùng bị bão lũ. Phải quy hoạch lại hệ thống thủy điện, thủy lợi, vì việc xả lũ vừa qua gây thiệt hại rất lớn cho người dân. Không thể chấp nhận được việc xả lũ mà chính quyền địa phương và người dân không biết và cho đến nay vẫn tranh luận với nhau giữa các cơ quan quản lý các hồ, đập này. Chính quyền địa phương có báo với nhau không, có thông tin cho nhân dân hay không? Phải điều tra để xử lý kỷ luật, thậm chí là trách nhiệm hình sự. Phải làm một vài vụ cho nghiêm, không thể để cho người dân bị chết và bị thương như thế, tài sản thiệt hại lớn vô cùng mà không có ai bị xử lý.”