Sẽ chấm dứt tình trạng “sống lâu lên lão làng”

ANTĐ - Hôm qua, 26-7, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức. Vấn đề thi tuyển lãnh đạo và xử lý cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” được nhiều địa phương đề cập.

Thi tuyển lãnh đạo giúp người trẻ có thêm cơ hội cống hiến

Nêu ra những kinh nghiệm về thi tuyển công chức trên máy tính, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, ông Đan Đức Hiệp cho biết, TP chỉ tuyển được 70% số lượng yêu cầu nhưng chất lượng tốt hơn hẳn. Ông nói: “Thí sinh thấy thi trên máy tính là công bằng, minh bạch, không ai nghi ngờ gì về coi thi, chấm thi hay lo về tiêu cực trong tuyển dụng...”. Được xem là một trong những địa phương đi đầu thí điểm thi tuyển lãnh đạo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, bà Vũ Thị Thu Thủy cho biết, sau khi tuyển được 2 lãnh đạo cấp sở vào năm ngoái, năm 2013, tỉnh Quảng Ninh sẽ tuyển tiếp 6 phó giám đốc sở. Bà Vũ Thị Thu Thủy chia sẻ: “Đa số ý kiến ủng hộ thi tuyển lãnh đạo cấp sở nhưng cũng có người còn băn khoăn. Chủ trương này thay đổi nếp nghĩ lâu nay về công tác cán bộ nên cũng cần sự thận trọng...”.

Từng tổ chức thi tuyển tới 114 chức danh lãnh đạo trong 5 năm qua, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, ông Đặng Công Ngữ cho biết, nên thi tuyển luôn cấp trưởng thay vì cách thức tuyển cấp phó lâu nay vẫn làm. Ông phân tích: “Tuyển cấp trưởng sẽ lợi hơn rất nhiều. Người trúng tuyển sẽ có toàn quyền sử dụng đề án của mình chuẩn bị trong quá trình thi tuyển. Nếu chỉ là cấp phó, dù có nhiều ý tưởng rất hay nhưng rồi sẽ khó thực hiện...”. Dù vậy, ông Đặng Công Ngữ cũng thừa nhận, tổ chức thi tuyển cấp trưởng (Giám đốc Sở chẳng hạn) sẽ khó hơn rất nhiều.

Đặc biệt, liên quan tới việc xử lý ra sao với 30% số công chức vô công rỗi nghề, không làm được việc, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, ông Đặng Công Ngữ cho biết, Đà Nẵng đã có phương án làm rõ được những đối tượng này. “Từng cán bộ phải kê khai cụ thể khối lượng công việc mình đã thụ lý, đã làm tới đâu trong tháng và tự đánh giá bản thân. Qua đó, chúng tôi có thể nắm được mỗi công chức làm được bao nhiêu việc, tiến độ, chất lượng, hiệu quả tới đâu. Đà Nẵng xem đây là cơ hội tốt để đánh giá cán bộ, chấn chỉnh lại bộ máy” - ông Đặng Công Ngữ chia sẻ.

Đánh giá số thủ tục được đơn giản hóa trong 6 tháng đầu năm (115 thủ tục) còn quá ít, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, vẫn còn thủ tục hành chính rất rườm rà hoặc chưa được công khai. Phó Thủ tướng cho rằng, công tác cải cách hành chính nhìn chung còn chậm, còn mang tính hình thức. Lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đến công tác này, chưa coi đó là nhiệm vụ chính trị thường xuyên. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ liên quan đến cải cách chế độ công chức, công vụ... Phó Thủ tướng nhấn mạnh, muốn tăng tốc cải cách hành chính, quyết tâm chính trị phải rất cao chứ nếu “cứ lơ mơ thì không thể tiến nhanh được”.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương thay đổi nhận thức về cải cách công vụ. Ông nói: “Một số tỉnh thi tuyển lãnh đạo cấp sở rồi trong khi nhiều nơi khác vẫn làm theo cách cũ khiến nhân tài khó vào bộ máy”. Phó Thủ tướng cho rằng, phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo cấp vụ, sở, phòng cần được nghiên cứu đổi mới bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả; đặc biệt phải tránh tình trạng “sống lâu lên lão làng”. Đồng ý với kiến nghị của các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu gia tăng ứng dụng công nghệ tin học vào quản lý công chức, viên chức. Cần nhân rộng việc ứng dụng tin học vào thi tuyển công chức trong phạm vi cả nước nhằm đảm bảo tối đa tính công khai, minh bạch, công bằng, chất lượng, tránh tiêu cực; sớm xây dựng và đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu quản lý công chức, viên chức.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cải cách chế độ công chức, công vụ phải đi liền với cải cách hành chính. Trách nhiệm thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác cải cách hành chính, công tác phòng chống tham phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần được xác định rõ. Theo đó, phải nâng cao trách nhiệm và kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công chức, công vụ; xử lý nghiêm các trường vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, vi phạm pháp luật...