Sẽ bỏ phiếu tín nhiệm Bộ trưởng

ANTĐ - Hôm qua, 27-4, tại cuộc họp trực tuyến giữa ĐBQH 63 tỉnh, thành phố, nhiều ý kiến đồng tình với việc sẽ bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh lãnh đạo cấp cao do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Có ĐBQH đề nghị nên bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh từ bộ trưởng trở lên.

Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được công bố công khai

Một trong những vấn đề đáng lưu ý của Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội là hàng năm sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả bỏ phiếu được công bố công khai; người không đủ phiếu tín nhiệm quá bán hai lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức. Đồng thời giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm 2012 (kỳ họp thứ 4). Nội dung này thực ra đã được quy định trong Hiến pháp nhưng rất hiếm khi được thực hiện trên thực tế.

Đồng tình cao với nội dung trên, ĐBQH Huỳnh Thành Lập, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh nói: “Hiến pháp đã quy định từ lâu nhưng đến nay ta chưa làm được vì thiếu hướng dẫn. Tới đây, cần làm rõ các quy trình, thủ tục liên quan để thực hiện việc này”. Cũng liên quan tới nội dung này, ĐB Lê Thị Nga, Phó Trưởng ban Tư pháp của Quốc hội đặt vấn đề: “Chúng ta phải xem xét từ lúc Quốc hội tiến hành bầu và phê chuẩn các chức danh theo thẩm quyền của Quốc hội. Căn cứ nào để Quốc hội bầu? Mỗi ĐBQH khi ứng cử đều có chương trình hành động công bố công khai để cử tri dựa vào đó xem xét bỏ phiếu.

Trong khi đó, khi Quốc hội bầu các chức danh Nhà nước, hầu hết chỉ dựa vào bản lý lịch và khả năng dự báo của từng ĐBQH. Nên chăng, cần đổi mới ngay từ khâu bầu cử các chức danh chủ chốt, tức là mỗi bộ trưởng hay thành viên Chính phủ trước khi bầu phải có chương trình hành động cụ thể để Quốc hội có đủ thông tin và yên tâm hơn khi bỏ phiếu. Thêm nữa, sau này, khi bỏ phiếu tín nhiệm, Quốc hội cũng có thể căn cứ vào chương trình hành động đó để xem xét chính xác hơn...”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, vì các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn rất rộng (bao gồm của các Ủy viên các cơ quan của Quốc hội), nên cần làm rõ có phải lấy tín nhiệm tất cả hay không? “Quan điểm cá nhân của tôi là chỉ lấy tín nhiệm từ bộ trưởng trở lên. Ngoài ra, không nên lấy tín nhiệm năm đầu tiên trong nhiệm kỳ 5 năm bởi khi đó, bộ trưởng mới nhận nhiệm vụ, chưa đủ thời gian, rất khó để đánh giá. Riêng việc 2 năm liên tiếp tín nhiệm dưới 50% thì miễn nhiệm cũng cần cân nhắc kỹ. Nếu là 2 năm đầu nhiệm kỳ thì có lẽ không nên...” - bà Lê Thị Nga phân tích.

Cũng tại hội nghị, một số ý kiến đề nghị sớm thành lập kênh truyền hình riêng của Quốc hội. Bà Lê Thị Nga nói: “Chúng ta đủ khả năng để mở kênh truyền hình Quốc hội, tăng thêm cầu nối giữa Quốc hội với cử tri”. Nhiều ý kiến đề nghị tăng thêm các phiên chất vấn ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các phiên giải trình tại các Ủy ban của Quốc hội và mở rộng các phiên họp trực tuyến để “giảm thiểu chi phí” và “tiết kiệm tiền của dân”. ĐB Huỳnh Thành Lập nói: “Quốc hội đã trang bị máy tính xách tay cho ĐBQH thì nên tận dụng tối đa công nghệ để tiết kiệm chi phí...”. Nhiều đoàn ĐBQH cũng kiến nghị tăng thêm nguồn lực, đặc biệt là nhân lực cho Văn phòng Đoàn ĐBQH và cán bộ giúp việc cho từng ĐBQH bởi hiện nay “việc quá nhiều trong khi người quá ít” dẫn tới tình trạng quá tải triền miên. Đồng tình với quan điểm giảm thời gian của mỗi kỳ họp Quốc hội nhưng một số kiến cho rằng, không nên có thêm kỳ họp Quốc hội thứ 3 trong 1 năm. ĐB Bùi Nguyên Súy, Phó Trưởng ban Dân nguyện nói: “Mỗi ĐBQH cần nâng cao hiệu quả làm việc của chính mình, nhất là ở các phiên họp tổ. Hiện nay, có tình trạng họp tổ hay nghỉ sớm nên chất lượng còn hạn chế...”.