SCO - quyền lực mới trên chính trường quốc tế

ANTĐ - Trong lúc cả Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phập phồng lo ngại trước nguy cơ Hy Lạp trở thành thành viên đầu tiên rời khỏi Eurozone kéo theo những hệ lụy khôn lường cho nền kinh tế toàn cầu, SCO đang có tiềm lực phát triển to lớn và tương lai hợp tác rộng mở. Tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư nhằm khai thác tiềm năng kinh tế nội khối là ưu tiên hàng đầu của SCO. 

SCO là gì?

SCO phát triển từ tổ chức “Thượng Hải 5”, một khối năm nước được thành lập năm 1996 bao gồm Trung Quốc, Nga và các quốc gia mới độc lập là Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan. Mục tiêu  ban đầu của khối này là giảm bớt căng thẳng trên biên giới chung giữa các nước thành viên. Tháng 6-2001 khối này được mở rộng để kết nạp thêm Uzbekistan và được đặt lại tên thành Tổ chức hợp tác Thượng Hải. Sáu quốc gia thành viên (Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan), đại diện bốn nước quan sát viên (Iran, Mông Cổ, Pakistan, Ấn Độ) cùng hai nước đối thoại Belarus và Sri Lanka.

Các mục tiêu trọng tâm của nhóm các nước này là để chống lại cái gọi là "Ba tệ nạn" là chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan. Giờ đây SCO đã trở thành một liên minh bán chính trị và quân sự. Bắt đầu từ năm 2003, các nước thành viên đã tổ chức các cuộc tập trận chung được đặt tên là “Sứ mạng hòa bình”. Nga, Trung Quốc, Kyrgykistan, Tajikistan và Kazakhstan tham gia diễn tập trên lãnh thổ Kazakhstan. Sau hơn một thập niên hình thành và phát triển theo sáng kiến của Nga và Trung Quốc năm 2001, SCO đang thể hiện vai trò quan trọng cho một kế hoạch lớn hơn tại khu vực dựa trên bốn trụ cột hợp tác chính gồm chính trị, an ninh, kinh tế và nhân văn. Sự lớn mạnh của SCO thời gian qua khiến tổ chức này thành mục tiêu được nhiều nước trong khu vực hướng tới. 

Nói “không” với sự  can thiệp bằng quân sự

Tất cả các nước thành viên SCO đều nhất trí phản đối những hành động can thiệp quân sự vào các điểm nóng của thế giới. Theo lời nguyên thủ các nước thành viên SCO, họ có lý do để kêu gọi và ủng hộ giải pháp hòa bình cho các vấn đề ở Trung Đông. Trên khắp thế giới, từ Trung Đông đến Bắc Phi, các cuộc xung đột đẫm máu và những vụ tấn công khủng bố đã gây ra cái chết cho rất nhiều người dân vô tội. Trong năm ngoái, có nhiều nước đã rơi vào tình trạng hỗn loạn. Hơn một năm trôi qua kể từ khi NATO dội bom vào Libya để lật đổ Chính phủ trước đó, đất nước Bắc Phi này vẫn rơi vào tình trạng hỗn loạn, SCO cho hay.

Chưa hết, hơn 10 năm đã trôi qua kể từ khi Mỹ và các nước đồng minh lật đổ chính quyền Taliban ở Afghanistan, đất nước Trung Đông đó vẫn lan tràn bạo lực, giết chóc. Afghanistan là nước chia sẻ đường biên giới chung với một số nước hành viên SCO. Vì thế, đã đến lúc phải nói “không” với sự can thiệp bằng quân sự bởi kinh nghiệm đau thương từ những chiến dịch can thiệp quân sự trong quá khứ không  được phép tái diễn, SCO nhấn mạnh.

Thông báo chung của các nhà lãnh đạo SCO do Nga và Trung Quốc dẫn đầu được công bố hôm 7-6 nhấn mạnh đến sự đối thoại đồng thời phản đối mọi sự can thiệp vào quân sự nào vào khu vực Trung Đông, cụ thể là đối với hai nước Syria và Iran. Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi phe nổi dậy Syria cáo buộc lực lượng Chính phủ thảm sát 100 người và  trong lúc nhóm “những người bạn của nhân dân Syria” đang họp tại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tăng cường sức ép lên Damacus. SCO kêu gọi “tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Syria thông qua đối thoại chính trị” đồng thời khẳng định, việc dùng vũ lực với Iran là “điều không thể chấp nhận”. 

Bên lề hội nghị SCO, lãnh đạo của hai nước Nga và Trung Quốc đã có cuộc gặp riêng rẽ với Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad. Nga chuẩn bị chủ trì một cuộc họp trong cuối tháng này nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Iran. 

Lực lượng chính của thế giới trong tương lai gần

Năm nay, các nước Mông cổ, Ấn Độ và Iran lần đầu tiên tham gia với tư cách là “quan sát viên” của SCO. Năm 2008 Iran chính thức đề nghị gia nhập với tư cách thành viên đầy đủ nhưng đề nghị của Iran bị hoãn lại do các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc. Belarus và Sri Lanka cũng đã ký kết để trở thành “đối tác đối thoại” của SCO. Với độ che phủ lên tới 60% lãnh thổ của hai châu lục Á - Âu và 25% dân số thế giới, SCO hoàn toàn có cơ sở để trở thành không gian chiến lược đối trọng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ cầm đầu. Nhờ những lợi thế trên cả bình diện địa - chính trị lẫn địa - kinh tế, cùng với tốc độ tăng trưởng ấn tượng của Trung Quốc, tiềm năng công nghệ của Nga cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của vùng Trung Á… SCO được nhận định sẽ trở thành một quyền lực mới trên chính trường quốc tế.

Với sức mạnh và ảnh hưởng chính trị ngày một tăng, tổ chức đa quốc gia SCO chắc chắn sẽ trở thành một lực lượng chính của thế giới trong tương lai gần. SCO có sự góp mặt của hai cường quốc hàng đầu thế giới là Nga và Trung Quốc. Tổ chức này được thiết lập ra với mục đích ban đầu là để đối trọng với NATO – một liên minh quân sự của phương Tây.