Say rượu khi gây án không làm nhẹ tội

ANTĐ - Nhìn từ những vụ án mạng xảy ra khi “tửu hậu” có thể thấy nếu những người trong cuộc biết nhường nhịn nhau một câu nói, hay một cái “nhìn đểu” khi đã ngấm “ma men”, sẽ không có hậu quả nghiêm trọng xảy ra.

Cơ quan công an lấy lời khai của đối tượng liên quan đến vụ án mạng xuất phát từ mâu thuẫn trong cuộc nhậu

Mâu thuẫn từ bàn nhậu

Ngày 7-8, cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đã quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam thời hạn 4 tháng đối với 2 anh em Nguyễn Hà Trung và Nguyễn Trung Thành, ở phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) can tội giết người. Nạn nhân trong vụ án mạng do 2 anh em Trung và Thành gây ra là anh Trần Thế Mạnh, ở phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm.

Nguyên nhân dẫn đến vụ án rất đơn giản, chỉ là mâu thuẫn phát sinh tại một quán bia hơi nằm trên đường Trần Phú, quận Ba Đình (Hà Nội). Chập tối 23-7, 2 anh em Trung và Thành cùng một nhóm bạn đang ngồi uống bia và gặp anh Mạnh ngồi bàn bên cạnh. Thấy người quen, anh Mạnh gọi mấy cốc bia sang mời nhóm anh em Trung - Thành cùng các bạn. Do chưa thật sự hiểu nhau, giữa anh Mạnh và Thành đã nảy sinh mâu thuẫn từ những câu nói. Được mọi người can ngăn, anh Mạnh đã bỏ về. Cảm thấy chưa thỏa mãn bởi cách giải quyết ôn hòa này, một lát sau cả hai bên lại gặp nhau ở quán bia và xảy ra xô xát. Hậu quả là anh Mạnh bị 2 anh em Trung - Thành dùng dao chém chết.

Trong vụ án mạng xảy ra tại phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng mới đây, nạn nhân Đào Công Bách, ở phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng đã bị một nhóm đối tượng dùng dao đâm thấu tim, gây tử vong. Cơ quan điều tra đã làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ án nghiêm trọng này, xuất phát từ mâu thuẫn tại một quán ăn ở đường Trương Định. Rạng sáng 31-7, anh Bách cùng một số bạn đến quán uống rượu và nảy sinh mâu thuẫn từ cái “nhìn đểu” của 2 nam thanh niên khác vào quán mua thuốc lá. Tàn cuộc nhậu, 2 nhóm đã tìm nhau để thanh toán thù tức và hậu quả là anh Bách bị đâm chết.

 “Nguyên nhân xảy ra một số vụ án mạng gần đây, chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn trong các quán rượu, bia. Có hơi men trong người, các đối tượng bị kích động mạnh nên nhận thức bị hạn chế, không điều khiển được hành vi của mình và gây án” - Thượng tá Trần Ngọc Hà, Đội trưởng Đội Điều tra trọng án 1, Phòng CSHS - CATP Hà Nội nhận xét. Các đối tượng liên quan đến 2 vụ án mạng nêu trên đều muốn giải quyết những mâu thuẫn bộc phát, phát sinh trong khi đang uống rượu, bia. Trong khi đó, những mâu thuẫn này đều rất bình thường và nếu các bên biết kiềm chế, sẽ không xảy ra được những hậu quả nghiêm trọng.

Vẫn bị truy cứu đến cùng

Theo đánh giá của Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội, những vụ án mạng xảy ra từ mâu thuẫn nhỏ, phát sinh sau các cuộc bia, rượu tương đối nhiều. Cách đây không lâu, ở một số vùng nông thôn ngoại thành đã xảy ra những vụ việc tương tự. Một số chuyên gia tâm lý phân tích, khi một ai đó có hơi men trong người, rất khó có thể kiểm soát được hành vi. Nếu cùng lúc đó gặp phải một tác động nào đó từ bên ngoài gây ảnh hưởng đến tâm lý, thì hậu quả sẽ khôn lường. 

Sau một số vụ án mạng do các đối tượng sử dụng bia, rượu gây ra, có ý kiến cho rằng pháp luật có nên xem xét tình tiết giảm nhẹ cho đối tượng gây án? Giải thích vấn đề này, luật sư Trịnh Anh Dũng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trịnh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định không thể được coi là tình tiết giảm nhẹ, nếu đối tượng sử dụng bia, rượu và các chất kích thích khác gây ra những vụ án nghiêm trọng. Điều 14 - Bộ luật Hình sự quy định “Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Vụ án Đặng Trần Hoài, ở quận Hà Đông (Hà Nội) can tội hiếp dâm trẻ em và giết người tại thị xã Sơn Tây, đã cho thấy rõ nhất tính chất nghiêm trọng của đối tượng sử dụng rượu, bia và chất kích thích khác rồi phạm tội.

Vẫn theo luật sư Trịnh Anh Dũng, vì bất kỳ một lý do lớn, nhỏ, tiềm ẩn hay bộc phát nào đó, khi đối tượng có chất kích thích trong người và bị tác động bởi một số yếu tố bên ngoài, sẽ không thể kiểm soát được hành vi phạm tội và trở thành tội phạm. Nếu người bị các chất kích thích điều khiển mà xâm phạm thân thể người khác dẫn đến thương tích, sẽ bị pháp luật truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích. Nếu tước đoạt đi mạng sống người khác, tội phạm sẽ bị truy cứu về hành vi giết người. “Pháp luật rất nghiêm minh và kẻ phạm tội đến đâu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đúng với tội danh đã gây ra. Không thể có chuyện xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với các đối tượng gây án sau khi sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác” - luật sư Trịnh Anh Dũng nói.