"Say"- một "cơn gió lạ" tuyệt vời

ANTĐ - Có những tình cảm lạ lùng đi qua trong đời, có thể chỉ là thoáng chốc trong khoảnh khắc nhưng sức ám ảnh, sức mạnh kì diệu của nó còn đọng mãi.

Tôi đã từng trải qua thứ tình cảm lạ lùng như thế và sống những ngày tháng đặc biệt ngắn ngủi như thế. Có thể, cả cuộc đời này, nó vẫn ở lại trong miền nhớ, rất bình yên và thương nhớ của tôi để tôi biết mình đã có những hồi ức tuyệt đẹp.

Tôi là một nhà báo. Công việc đòi hỏi tôi nay đây mai đó. Tôi say mê nghề và sẵn sàng tới những vùng núi cao, biển xa để thỏa mãn niềm đam mê ấy. Chồng tôi không làm cùng ngành, Hoàng là cán bộ ở ủy ban thành phố, tính chất công việc của anh hoàn toàn khác tôi. Cuộc sống của anh xoay quanh bàn giấy, bàn tiệc và tương đối an nhàn. Ngay từ trước khi cưới, tôi đã nói rất rõ ràng, rằng tôi sẽ không dừng lại chừng nào cảm thấy chưa thực sự mỏi chân. Hoàng yêu tôi và tôn trọng quyết định của tôi. Lấy chồng, tôi vẫn không bị ràng buộc quá nhiều. Dĩ nhiên, tôi biết căn ke, thu xếp thời gian hợp lý để vừa có thể thỏa mãn được công việc của mình, vừa chu toàn việc nhà. Tôi cảm thấy mình là một phụ nữ hạnh phúc bởi có được sự cảm thông và ủng hộ của chồng con.

Cơ quan báo chí của tôi thành lập một tổ tình nguyện, tổ chức quyên góp từ thiện ủng hộ, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng núi phía Bắc. Tôi là người đứng đầu tổ tình nguyện này và thực sự hào hứng với dự án mới của cơ quan. Chúng tôi đã tiến hành rất nhiều chuyến thăm đồng bào miền núi và trao quà từ thiện cho họ, đặc biệt vào mỗi độ áp Tết, chuyến đi càng thêm nhiều ý nghĩa, góp phần xây dựng mùa đông ấm, Tết vui vầy cho đồng bào nghèo. Trong đợt đi công tác lần này, địa điểm chúng tôi lựa chọn là nơi cực đầu tổ quốc. Mảnh đất Hà Giang hoang sơ, kỳ vĩ, với những núi đá sừng sững quyến rũ lòng du khách nhưng sinh sống ở nơi điều kiện kinh tế, vật chất ngặt nghèo như vậy, chắc chắn không hề đơn giản.

Đây là lần đầu tôi đặt chân tới mảnh đất Hà Giang và nhanh chóng bị mảnh đất trong vắt, hoang sơ này chinh phục. Ánh mắt bình dị, có phần ngơ ngác của những em nhỏ chân đất tới trường, phong phanh, trơ trọi chiếc áo mỏng tang trong nền nhiệt độ 1 - 2 độ thực sự làm tôi xúc động. Bọn trẻ lớn hồn nhiên, hoang dại, thật thà như cây cỏ bẽn lẽn trước ống kính của tôi. Chúng không tin trên đời có thứ máy gì đó vuông vuông, đen xù xì, lại lóe lên cả đèn sáng mà ghi lại hình ảnh của chúng. Tôi nhanh chóng kết thân với bọn trẻ, và khi đã khá thân thiết, chúng thì thầm kéo tôi tới trạm y tế xã, bảo tôi cùng đi thăm một cậu bạn bị ốm đang điều trị ở đây cùng chúng. Chẳng mấy cơ hội được thị sát, tôi hào hứng đi ngay.

Trạm y tế tạm bợ được xây dựng trên khoanh đất cao, đội ngũ y, bác sĩ chỉ có một người cắm trạm, còn lại tỏa đi khám chữa bệnh cho đồng bào trong xã. Trong khi bọn trẻ tíu tít vào buồng thăm cậu bạn, tôi ngồi trò chuyện cùng vị bác sĩ có nụ cười thân thiện, hiền như nắng. Anh tên Khang, sinh sống ở đây hơn chục năm rồi. Khang kể, anh là người Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Y với tấm bằng loại ưu, anh hoàn toàn có thể tìm kiếm một công việc an nhàn, ổn định giữa chốn thủ đô phồn hoa, nhưng không hiểu sao mảnh đất Hà Giang vẫy gọi, anh tự nguyện xin lên đây giảng dạy trong sự ngăn cản quyết liệt của gia đình. 
Lúc anh đi mẹ anh nằm trong phòng khóc lặng lẽ, nhất quyết không chịu bước chân ra cổng tiễn đứa con trai ngược đời. Lên bản cách đây hơn chục năm, từ khi còn là cậu sinh viên mới ra trường, Khang bây giờ đã là người đàn ông chững chạc hơn 30 tuổi, song sự dịu dàng, hiền lành và thói quen mỉm cười với tất cả mọi người dường như không thay đổi. Anh kể, trước đường xá đi lại khó khăn, xe cộ không thuận tiện, mỗi năm anh về thăm nhà một lần. Còn bây giờ mọi thứ thông thoáng, anh thường ghé về thăm nhà hơn. Đi được 1, 2 năm, bố mẹ Khang năn nỉ con trai trở về thủ đô công tác, nhưng anh không nghe lời. Anh cười hiền: “Có lẽ tôi bị Hà Giang bỏ bùa mê mất rồi”.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi thêm gần gũi bởi những bài ca về Hà Nội. Tôi đọc được trong đôi mắt thăm thẳm của Khang một nỗi nhớ với Thủ đô vời vợi. Suốt buổi chiều ấy, tôi đã ngồi hát cho anh nghe rất nhiều tình khúc về Hà Nội và khoảng cách của chúng tôi như được xóa nhòa.

Đoàn công tác của tôi trở về Hà Nội trước, còn mình tôi ở lại tìm kiếm đề tài về sinh hoạt của người dân vùng cao. Khang trở thành người hướng dẫn viên đặc biệt, tận tụy và nhiệt thành của tôi. Ngoài giờ làm việc, anh dẫn tôi băng qua rừng, qua suối tới tận miền sơn cước heo hút để tìm đề tài. Nếp sống nguyên tắc, bình dị của Khang thực sự khiến tôi cảm phục. Chiếc áo sơ mi phơi trên dây phơi quần áo đã có hai mảnh vá ở cánh vai. Trong chiều thu dọn quần áo giúp Khang, nhìn tấm áo ấy, tôi không khỏi xót xa. Bắt gặp cái nhìn ái ngại của tôi, Khang cười to, xua đi nỗi buồn và thương cảm nơi tôi: “Áo đấy anh mặc ở trong, mặc áo khoác, áo len ở ngoài, có ai biết áo rách đâu”. Anh giản dị, mộc mạc quá!

Thời tiết vùng cao khắc nghiệt thật, mới có gần 5 giờ chiều mà bóng tối đã đổ sập xuống cả vùng non nước. Sương giăng nghẽn lối, chùng chình mút chặt bàn chân người. Trong ánh điện thoại mờ hắt ra yếu ớt khoảng đường tí tẹo trước mắt, khó khăn lắm tôi mới tìm được về tới nhà nghĩa là ủy ban nhân dân xã - tôi xin tá túc ở đây trong chuyến công tác. Do không quen với thời tiết, đêm ấy tôi sốt cao, toàn thân nóng rực như hòn than đang độ bén lửa. Người tôi run bắn, miệng khô khốc, đầu óc nặng trĩu, tràn vào cơn mộng mị. Khi tỉnh dậy, Khang đang ngồi bên cạnh ngắm nhìn tôi thiếp đi vì mệt mỏi. Anh kể, nửa đêm anh nghe thấy tiếng đập cửa của một chị trong bản, gọi: “Bác sĩ ơi, cô nhà báo sắp bị con ma bắt đi rồi”. 
Đoán biết có chuyện chẳng lành, anh băng rừng chạy tới ủy ban nơi tôi đang ở. Quả đúng, tôi đã ngất đi vì sốt quá cao. Rất may, anh đã mang theo thuốc và nấu bát cháo nóng để tôi ăn giải cảm. Cả đêm ấy, Khang không ngủ, anh canh giấc cho tôi, khẽ khàng kéo chăn lên cổ tôi và khi tôi mướt mồ hôi khi cơn sốt ùa tới, anh vội vàng kéo bớt chăn khỏi người. Ngày hôm sau tỉnh dậy, tôi đã thấy người nhẹ nhõm hơn và Khang cũng rời khỏi ủy ban, trở lại trạm y tế của mình. Khang vẫn vậy, chu toàn và nghĩ thấu đáo cho cả tôi và anh.

Suốt ngày hôm đó, hình ảnh của Khang tràn ngập trong suy nghĩ của tôi. Trái tim tôi thắt lại khi nghĩ tới tấm áo rách của anh, rồi nó chợt mỉm cười nhớ tới gương mặt bừng sáng nồng nàn của anh khi hát về Hà Nội. Lâu lắm rồi, trong cuộc sống có phần phẳng lặng và trầm tĩnh của tôi, lại mới dâng lên một đợt sóng cồn cào đến thế. Tôi yêu Khang và trong cảm nhận khá nhạy của mình, tôi biết anh cũng yêu tôi. Ngày thứ 5 ở Hà Giang, tôi đã tìm được một tình yêu kì lạ và đặc biệt của đời mình. Ở bên cạnh anh, tôi thấm thía thế nào lý tưởng. Trước đây, trong cái đầu mải mê, loay hoay theo đuổi một giấc mộng tung cánh tự do nào đó, tôi mải miết chạy theo guồng quay công việc, gia đình mà quên mất điều kì diệu có khi chẳng phải tìm kiếm nơi nào xa xôi, mà nó hiện hữu ngay xung quanh cuộc sống.

Đêm ấy, tôi đã nhìn sâu vào đôi mắt thăm thẳm của Khang và nói lên ba chữ thiêng liêng, từ rất lâu rồi, tôi đã quên mất cách nói. Khang run rẩy ôm tôi vào lòng, trao cho tôi nụ hôn nồng ấm, khờ khạo. Tôi cảm nhận được hạnh phúc chảy khẽ khàng trong từng tế bào. Tôi đang thực sự sống.

Thật khó khăn để nói với Khang rằng tôi đã quyết định ở lại với anh mãi mãi. Tôi không cần Hà Nội phồn hoa, không cần một công việc được trọng vọng, săn đón. Khang nhìn tôi, đôi mắt anh nhuốm một màu u uẩn, xanh xám, tê tái. Khang bảo, anh không muốn tôi phải hi sinh. Tôi đang có cuộc sống của rất nhiều người mơ ước: một công việc tốt, một gia đình hạnh phúc và chẳng có lý gì để giữ chân tôi ở lại, nếu thứ tôi gọi kia là tình yêu tuyệt đích thì sự lựa chọn của tôi sẽ trở nên ích kỷ. Anh không thể tha thứ cho bản thân anh nếu như tôi ở lại Hà Giang, bỏ rơi gia đình cần một bàn tay phụ nữ chăm nom, săn sóc. Tôi gục đầu vào vai anh. Cả anh và tôi cùng thổn thức. Tôi sợ ngày mai, khi mặt trời lên, giấc mơ của tôi sẽ tan biến và tôi sẽ phải trở về Hà Nội bụi bặm với quá nhiều lo toan...

Thấm thoát, về Hà Nội đã được 2 tháng, tôi gói kỉ niệm cất nơi đáy sâu tâm hồn, thi thoảng mang ra nhấp nháp, nhớ nhung. Tối đó, chương trình thời sự báo tin ở Hà Giang vừa trải qua một trận lũ quét và cướp đi nhiều sinh mạng. Tôi giật mình buông vội bát cơm chạy tới trước ti vi. Đúng nơi anh sinh sống và làm việc. Tôi lặng người nghe tên biên tập viên điểm danh những người tử nạn. Khang của tôi nằm trong số ấy. Tôi bật khóc nức nở trong sự bối rối của Hoàng - chồng tôi. Đêm ấy, tôi kể lại cho Hoàng nghe toàn bộ câu chuyện - không giấu giếm bất cứ điều gì. Hoàng đã ôm chặt tôi vào lòng, vỗ về, an ủi tôi đang bấn loạn trong cơn khủng hoảng. Anh chính là người đặt vé ô tô để sáng hôm sau, cả anh và tôi cùng ngược lên vùng rốn lũ.

Chứng kiến đám tang của Khang, Hoàng hoàn toàn tin tưởng những gì tôi kể. Đám tang chật kín người và chan chứa nhiều giọt nước mắt thương tâm. Khang quá tuyệt vời đến mức hình như không có thật trên đời, đến mức anh như cơn gió lạ lướt qua cuộc đời tôi, trú ngụ ở mảnh đất đại ngàn hùng vĩ rồi cũng rời bỏ nó mà đi. Tôi trở về nhịp sống bình thường, kí ức với Khang, tôi cất vào góc kỉ niệm và quan trọng hơn, Hoàng - chồng tôi tôn trọng thế giới bé nhỏ, riêng tư ấy để tôi được phép say, được phép cảm những gì đã qua trong đời.