Sau vụ trẻ lớp 1 trường Gateway tử vong: Hành vi tự xưng trường "quốc tế" sẽ bị xử lý ra sao?

ANTD.VN -Sau vụ bé trai 6 tuổi tử vong trên xe đưa đón của Trường Gateway (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhiều phụ huynh mới giật mình trước tình trạng mác “quốc tế” được gắn bừa bãi ở nhiều trường từ mầm non đến đại học, đồng thời đặt câu hỏi: “Hành vi tự gắn biển “quốc tế” của các trường sẽ bị xử lý ra sao”?

Đánh vào tâm lý sính ngoại của phụ huynh

Liên quan đến tên “Trường liên cấp quốc tế Gateway”, theo đại diện Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy, trong quyết định thành lập, trường này có tên là Trường tiểu học Gateway, không có hai từ "quốc tế" (international). Thông tin này càng khiến dư luận bức xúc.

Cách đây không lâu, nhiều phụ huynh ở Hà Nội cũng vớ quả đắng khi đóng một khoản học phí lên tới trên 100 triệu đồng/năm để cho con học tại một trường quốc tế của Singapo nhưng thực chất chỉ là một trường dân lập trong nước được gắn mác “quốc tế”.

Nắm bắt được tâm lý “sính ngoại” của không ít phụ huynh, các trường “quốc tế” đua nhau lên ở các thành phố lớn với những lời quảng cáo hấp dẫn “có môi trường học tập hiện đại, có sở vật chất tiện nghi, chương trình liên kết với nước ngoài, trẻ được học với người bản địa, được sử dụng ngoại ngữ thường xuyên, thuận lợi hơn cho việc du học sau này”.

Cổng trường Gateway có gắn từ "International School" (trường quốc tế)

Hoa mắt trước những thông tin trên, nhiều gia đình đã tìm mọi cách cho con vào học trường “quốc tế”, sẵn sàng móc hầu bao chi trả phí dịch vụ với giá trên trời. Tuy vậy, chất lượng dạy và học của các trường này đến đâu, dịch vụ đưa đón, chăm sóc học sinh được đảm bảo ra sao thì chỉ những người trong cuộc mới rõ.

Theo Luật Giáo dục 2019 chỉ có 3 loại hình trường học, bao gồm: Trường công lập do nhà nước đầu tư; Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động (chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non); Trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.

Một số loại hình trường được gọi là trường “quốc tế” hiện nay chủ yếu các trường có 100% vốn nước ngoài đầu tư, có sự thúc đẩy của cơ quan ngoại giao nước ngoài, hầu như chỉ dạy con em của người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam và dạy hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài.

Bên cạnh đó còn có những trường do doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài đầu tư, dạy chương trình của Bộ GD-ĐT, lấy bằng Việt Nam nhưng dạy thêm chương trình nước ngoài bằng tiếng Anh. Ngoài ra, những trường ngoài công lập, do người Việt Nam thành lập, dạy chương trình của Bộ GD-ĐT song có thể dạy thêm chương trình toán, khoa học bằng tiếng Anh để lấy các chứng chỉ của Cambridge, hoặc dạy nhiều giờ tiếng Anh hơn cũng được coi là trường quốc tế.

Tự gắn mác “quốc tế” bị xử phạt thế nào?

Theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP về đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, trường nào dạy 100% chương trình quốc tế không được nhận quá 50% học sinh quốc tịch Việt Nam. Nếu hiểu theo nghĩa này, số trường quốc tế tại Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ngoài ra, điều 29 nghị định này còn nêu rõ, tên trường phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “trường”, “cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng. Như vậy, theo các quy định hiện hành, ở Việt Nam không có khái niệm trường “quốc tế”.

Về việc một số trường tự ý định danh tên trường gắn mác “quốc tế”, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo Nghị định 138/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, mức phạt tối đa đối với cá nhân vi phạm là 50 triệu đồng, đối với doanh nghiệp là 100 triệu đồng. Tùy từng hành vi vi phạm sẽ có mức xử phạt tương ứng. Thẩm quyền xử phạt thuộc về phòng GD&ĐT, Sở GD-ĐT của địa phương nơi đặt địa điểm trường vi phạm.

Từ "quốc tế" vẫn hiện diện trên những chiếc xe đưa đón học sinh của nhiều trường

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, những trường tự nhân là trường “quốc tế” hầu hết là các trường tư thục. Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định, một trong những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo là quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ...”.

Với quy định trên, những trường tự gắn mác “quốc tế” đã có hành vi quảng cáo không đúng sự thật, ghi tên trường không đúng giấy đăng ký…nên sẽ bị xử lý theo quy định.

“Có thể nói, một trong những nguyên nhân khiến các trường “quốc tế” tự phong mọc lên ngày càng nhiều xuất phát từ sự ngộ nhận, thích “Tây” của không ít cah mẹ học sinh. Trước thực trạng trên, Bộ GD&ĐT và các ban, ngành liên quan cần nhanh chóng kiểm tra, rà soát tổng thể các trường gắn mác “quốc tế”, sớm bổ sung quy định, yêu cầu cụ thể về việc đặt tên các trường một cách rõ ràng.

Bên cạnh đó, phụ huynh khi chọn trường cho con cần thận trọng, không nên hoa mắt trước hai từ “quốc tế” mà hãy quan tâm đến những quy trình, phương pháp giáo dục, chất lượng dạy và học cùng các dịch vụ đi kèm của trường đó” – Luật sư Hồng Vân khuyến cáo.