Sau vụ người thuê nhà ở Hoàng Mai, Hà Nội "tố" bị đuổi khỏi nhà: Bài học "cay đắng" khi đi thuê nhà

ANTD.VN -Sau khi Báo ANTĐ đăng bài “Khi người thuê nhà tố bị chủ đuổi ra khỏi nhà ngay trong Tết”, Đường dây nóng của Tòa soạn đã nhận được nhiều cuộc gọi của bạn đọc phản ánh về tình trạng bị lừa đảo khi đi thuê nhà, đồng thời đặt câu hỏi: “Để hạn chế rủi ro, người đi thuê nhà phải lưu ý những vấn đề gì”?

Ham rẻ vớ phải chủ nhà…rởm

Trao đổi với phóng viên ANTĐ, bạn Đào Thu Hòa sinh viên trường Đại học Văn hóa chia sẻ, do ở tỉnh ngoài nên từ khi lên Hà Nội học, Hòa thường xuyên đối mặt với tình trạng tìm nhà thuê, chuyển phòng trọ. Ngay trong lần đầu tiên đi thuê nhà, do thiếu kinh nghiệm nên Hòa đã vớ phải quả đắng.

Sau khi đọc được thông tin có nhà cho thuê ở gần trường mình học đăng trên mạng với giá khá rẻ, Hòa đã đến tận nơi xem nhà. Tại đây, Hòa gặp một người đàn ông trung niên tự giới thiệu là chủ nhà dẫn Hòa đi xem phòng ở, khu vệ sinh, nơi giặt giũ…Trong cuộc trò truyện, ông ta còn nhắc đi nhắc lại chuyện phòng trọ này từ trước đến nay rất đắt khách, nếu không đặt cọc, ông ta sẽ cho người khác thuê ngay.

Người đi thuê nhà cần cảnh giác với những thông tin cho thuê phòng trọ hấp dẫn

Cả tin, Hòa nhanh chóng đặt tiền, người đàn ông này nói sau 3 ngày, Hòa có thể chuyển đến bất cứ lúc nào. Tuy vậy, đến hẹn, Hòa chuyển đồ đến ở thì lại gặp một người phụ nữ xưng là chủ nhà và phủ nhận hoàn toàn việc có phòng trọ trống cho thuê vì hiện đã kín chỗ. Gọi điện cho người đàn ông kia nhưng chỉ thấy tò te tí, Hòa đành ngậm ngùi quay về.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, do 2 vợ chồng đều công tác tại Hà Nội nhưng chưa có nhà ở nên anh Lê Quang Hiền thuê 1 căn nhà 2 tầng để vừa ở, vừa kinh doanh trong vòng 5 năm. Sau khi được chủ nhà đồng ý, anh Hiền đầu tư vốn sửa lại nhà với số tiền lên tới hàng chục triệu đồng.

Sau khi ở ổn định được hơn 1 năm, anh Hiền ngã ngửa người khi biết ngôi nhà mình đang thuê đã được chủ nhà thế chấp tại ngân hàng để vay tiền, đã chuẩn bị đến thời gian thanh toán nhưng chủ nhà không có khả năng trả nợ. Đến nước này, anh Hiền đành phải chấp nhận đi thuê nhà khác đồng thời yêu cầu chủ nhà thanh toán toàn bộ kinh phí mình đã bỏ ra để sửa chữa ngôi nhà. Tuy vậy, yêu cầu này của anh Hiền không được chấp thuận do…không có căn cứ.

Thời gian qua, tình trạng người đi thuê nhà gặp rủi ro như những trường hợp hợp trên không phải là chuyện hiếm. Lý giải về vấn đề này, anh Vũ Ngọc Sáng – Giám đốc một công ty môi giới cho thuê bất động sản ở quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, thực tế đã có không ít trường hợp do cần nhà ở gấp nên khi chọn được nơi ưng ý, người đi thuê không tìm hiểu kỹ căn hộ đó có bị tranh chấp, thế chấp hay thuộc sở hữu hợp pháp của người cho thuê hay không mà thường vội vàng quyết định. Trong khi đó nhiều chủ nhà lợi dụng sự hài lòng của khách đối với vị trí, giá cả và không gian cho thuê mà tìm cách hối thúc họ đặt cọc tiền trước.

Với cách làm này, khách thuê sẽ không có thời gian suy nghĩ, kiểm tra các vấn đề pháp lý của căn nhà. Thực tế có không ít trường hợp người cho thuê không phải là chủ sở hữu mà chỉ được cho ở nhờ, ở tạm hoặc cho thuê nhưng đối tượng lại tự ý cho người khác thuê lại. Sau khi nhận được tiền đặt cọc, đối tượng đã ôm tiền bỏ trốn khiến khách thuê và chủ nhà xảy ra tranh chấp.

Làm thế nào để hạn chế rủi ro?

Điều đáng nói là hầu hết người đi thuê nhà đều không quan tâm đến hợp đồng, đặc biệt là việc mô tả chi tiết hiện trạng nhà. Thông thường, đó chỉ là nhưng văn bản sơ sài do chủ nhà soạn sẵn với những quy định chung chung, không rõ ràng mà người “nắm đằng chuôi” chính là bên cho thuê.

Do phần lớn các hợp đồng thuê nhà chỉ là sự thỏa thuận của hai bên, không được mang đi công chứng, chứng thực nên khi xảy ra tranh chấp rất khó có căn cứ để xử lý. Mặt khác, do số tiền bị mất không quá lớn và tâm lý ngại kiện tụng nên nhiều người thường tặc lưỡi cho qua.

Để hạn chế rủi ro khi đi thuê nhà, theo Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội, bên thuê cần yêu cầu bên cho thuê cung cấp các giấy tờ như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, chứng minh nhân dân của chủ sở hữu; Giấy ủy quyền đồng thuận cho thuê của chồng/vợ hoặc các thành viên khác có tên đồng sở hữu; Giấy đồng ý cho thuê lại nhà của chính chủ (đối với người cho thuê lại). Với căn hộ thuộc tài sản thế chấp, bên cho thuê cần xuất trình giấy thông báo đồng ý cho thuê lại của ngân hàng cho vay.

Bên cạnh đó, bên thuê cần kiểm tra kỹ, liệt kê chi tiết hiện trạng căn nhà và yêu cầu chủ hộ ký xác nhận. Hợp đồng thuê nhà cần ghi rõ những điều khoản cơ bản như giá thuê nhà, thời gian giao nhà, thời gian hết hạn, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê và yêu cầu bồi thường thiệt hại, thỏa thuận về giá điện, nước thậm chí cả quy định về việc bên cho thuê có trách nhiệm sửa chữa nhà khi bị xuống cấp…

“Điều quan trọng là khi đi thuê nhà, bên thuê cần trực tiếp đến địa điểm muốn thuê, khảo sát giá, đồng thời hỏi thăm những người dân đang sinh sống tại khu vực để biết rõ về tình hình an ninh trật tự ở đó. Người thuê nên tìm nhà qua sự giới thiệu của bạn bè và người quen, các trung tâm có uy tín để được  hỗ trợ” – Luật sư Nguyễn Thị Thu khuyến cáo.