Sau vụ đổi 100 USD: Chủ tịch Quốc hội đề nghị "sửa đổi quy định cho dân nhờ"

ANTD.VN -Tham gia chất vấn trước Quốc hội chiều 30/10, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội), đặt câu hỏi:  "Hiện còn hơn 11000 tội phạm truy nã đang nhởn nhơ ngoài pháp luật. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng này. Về vụ đổi 100 USD, theo Bộ trưởng, quyết định khám xét tiệm vàng và xử phạt của CATP Cần Thơ có hợp pháp?".

Giải trình về nội dung trên, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhận định, về vấn đề truy nã tội phạm, số liệu thống kê cho thấy, đối tượng truy nã còn trên 11700 đối tượng. Điều này không chỉ khiến việc gây hành vi nguy hiểm cho xã hội không được ngăn chặn mà kết quả điều tra vạch trần tội phạm chưa thực hiện được, chưa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật đối vói những đối tượng này. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tập trung  chỉ đạo truy bắt đối tượng trốn truy nã bằng nhiều giải pháp đồng bộ:

Tăng cường công tác quản lý dân cư, cư trú, nắm người nắm hộ ngay từ cơ sở. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm việc kiểm tra giấy tờ tùy thân, cải cách chứng minh nhân dân, quản lý hộ khẩu, căn cước công dân để các đối tượng  truy nã không thể làm giả giấy tờ.

Tăng cường thông tin tội phạm trong lực lượng công an và trong nhân dân. Ở mỗi đơn vị, nếu có đối tượng bị truy nã cần thông báo rộng rãi để huy động lực lượng để tránh trường hợp tội phạm phạm tội nghiêm trọng nguy hiểm nhưng lại phạm một tội khác nhẹ hơn nằm trong trại giam để tránh truy nã. 

Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu giải trình

Lực lượng công an đều phải thực hiện công tác phát hiện, truy nã tội phạm. Thời gian qua, Bộ Công an đã thành lập lực lượng chuyên trách truy nã tội phạm, nhưng nếu chỉ có lực lượng này thì không đủ sức phát hiện tội phạm truy nã trong phạm vi toàn quốc. Do vậy, Bộ đã sửa đổi quy định, hiện không còn lực lượng này nữa mà tội phạm thuộc phạm vi, đơn vị nào thì  đơn vị đó có trách nhiệm phải truy nã đến cùng.

Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan, không để các đối tượng phạm tội chạy trốn như phối hợp với bộ đội biên phòng, tăng cường hợp tác quốc tế với các nước, nhất là các nước xung quanh về dẫn độ tội phạm, trước hết là trong phạm vi ASEAN, đồng thời mở rộng ra các nước khác.

Tăng cường phát động quần chúng nhân dân phát hiện đối tượng truy nã tại nơi cư trú và bổ sung lực lượng công an cơ sở.

Về sự việc đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng ở Cần Thơ, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, CATP Cần Thơ đã bắt quả tang ông Lê Hồng Lực –chủ cửa hàng vàng Thảo Lực có hành vi thu mua 100 USD của ông Nguyễn Cà Rê không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. CATP đã tiến hành khám xét nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại nhà ông Lực.

Qua khám xét đã tạm giữ trên 1000 sản phẩm kim loại màu vàng, màu trắng và đá hột, sổ sách kinh doanh và 1 số  tang vật khác nhưng ông Lực không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, không có giấy phép mua bán ngoại tệ của cơ quan chức năng.

Công an TP Cần Thơ đã có đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm hành chính của ông Lực, UBND Thành phố Cần Thơ đã ra Quyết định xử phạt hành chính căn cứ theo Nghị định 185/NĐ-CP  ngày 15/11/2013 của Chính phủ  quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hiện ông Lực đã thi hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không có khiếu nại hay khởi kiện.

Sau phần trả lời của Bộ trưởng Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân,  cho rằng, vụ việc đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng gây bức xúc trong dư luận. “Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cần xem xét, chỉ đạo xử lý vụ việc theo đúng pháp luật, song quy định nào chưa hợp lý phải xem xét sửa đổi lại cho dân nhờ” – vị Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.