Sau vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng: Ngân hàng Nhà nước tính đề nghị sửa luật

ANTD.VN - Sau vụ việc đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng tại Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo sửa đổi một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Ngân hàng nhà nước vừa công bố Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Trong Báo cáo kèm theo, Ngân hàng Nhà nước cho biết sau hơn 4 năm thực thi Nghị định 96 về xử phạt trong lĩnh vực tiền tệ, đã có 1 vụ có dấu hiệu tội phạm được chuyển để truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, có 482 đối tượng bị xử phạt gồm 128 cá nhân, 375 tổ chức.

Cơ quan này cũng ban hành 520 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền phạt thu được 24,7 tỉ đồng; 8.721 Nhân dân tệ; 13.737 USD; 670 EURO; 74.000 Yên Nhật; 10.000 Đài tệ; 1.550 đô la Úc; 4.100 Bath Thái.

Việc đổi ngoại tệ của cá nhân được xem xét giảm nhẹ chế tài xử phạt

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước thừa nhận có nhiều quy định không còn phù hợp, chưa phù hợp với luật và cần phải sửa đổi.

Trong đó, tại Nghị định 96 chỉ xác định hình thức xử phạt và mức phạt chung đối với hành vi. Tuy nhiên, sau gần 4 năm áp dụng các quy định của Nghị định số 96/2014/NĐ-CP đã phát hiện một số quy định về mức phạt không còn phù hợp với tính chất và hậu quả của hành vi vi phạm, đặc biệt là trong trường hợp đối tượng vi phạm là cá nhân.

Ví dụ: quy định phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ (Điểm a Khoản 3 Điều 24); phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng đối với hành vi vi phạm giao dịch, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận, niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật (Điểm c Khoản 6 Điều 24); phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi vi phạm mua, bán vàng miếng tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng (Điểm b Khoản 1 Điều 25)…

Vì vậy, lần tiếp cận này, Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi theo hướng quy định cụ thể đối tượng xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, bổ sung hình thức xử phạt cảnh cáo với một số hành vi được cho là ít nghiêm trọng.

Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau; Mua, bán ngoại tệ với tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ.

Đồng thời, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực ngoại hối và kinh doanh vàng căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi, ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng bị xử phạt, bảo đảm tính khả thi.

Trước đó, ngày 23/10, UBND TP Cần Thơ đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều) vì hành vi đổi 100 USD tại tiệm vàng. Đồng thời, ông Rê còn bị tịch thu gần 2,3 triệu đồng đã đổi được.

Với tiệm vàng, UBND TP Cần Thơ cũng phạt 295 triệu đồng vì nhiều vi phạm, trong đó có việc nhận đổi 100 USD của ông Rê, đồng thời tịch thu số ngoại tệ đã đổi.

Sự việc đã gây ra hoang mang và bức xúc cho người dân vì hành vi đổi 100 USD của người dân được cho là ít gây hậu quả cho xã hội nhưng mức phạt quá lớn. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sửa lại quy định cho phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi hơn cho người dân.