Sau vụ buôn bán trẻ sơ sinh bị triệt phá tại Hà Nội: Việc cho, nhận con nuôi đã diễn ra như thế nào?

ANTD.VN -Vừa qua, CAQ Đống Đa, Hà Nội đã triệt phá thành công một đường dây buôn bán trẻ sơ sinh xuyên quốc gia do đối tượng Nguyễn Trần Lan Anh (SN 1999, ở tỉnh Bình Phước, là sinh viên) cầm đầu, giải cứu nhiều em bé. Đến nay, đã có 6 đối tượng bị cơ quan công an bắt giữ để điều tra về hành vi “Mua bán người dưới 16 tuổi”...

Liên quan đến vụ việc buôn bán trẻ sơ sinh nêu trên, được biết có cháu bé trong đường dây này đã được nhận làm con nuôi. Trước hiện tượng này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Thủ tục nhận nuôi theo quy định hiện hành ra sao, ai được quyền nhận nuôi con nuôi? Có hay không những kẽ hở trong quy định về nhận nuôi con nuôi?

Điều kiện được nhận con nuôi?

 Phân tích các quy định về nhận nuôi con nuôi, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, khi người nào đó muốn nhận trẻ sơ sinh làm con nuôi thì trước hết đứa trẻ này cần được đi khai sinh để lấy giấy khai sinh. Điều 14 Nghị định 158/2005/NĐ-CP quy định, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em.

Trường hợp không thể báo cho người thân, không tìm thấy mẹ của cháu bé (trẻ bị bỏ rơi) thì người phát hiện trẻ sơ sinh bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và báo ngay cho UBND cấp xã hoặc CAX, phường nơi trẻ bị bỏ rơi để lập biên bản và tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó.

Những trẻ sơ sinh được phát hiện trong nhà đối tượng có hành vi buôn bán trẻ em

UBND cấp xã, nơi lập biên bản có trách nhiệm thông báo trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình địa phương để tìm cha, mẹ đẻ của trẻ. Sau 30 ngày, nếu không tìm thấy cha, mẹ đẻ, thì tổ chức hoặc người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ, người muốn nhận trẻ làm con nuôi có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh cho trẻ. 

Cũng theo Luật sư Thanh Hà, về điều kiện nhận nuôi con nuôi, Luật Nuôi con nuôi quy định, người nhận con nuôi phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi…

Những người đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; Đang chấp hành hình phạt tù; Mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em…không được nhận nuôi con nuôi

Trẻ em được nhận làm con nuôi phải dưới 16 tuổi (trừ trường hợp luật định). Một người chỉ được làm con của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

Khi có đủ điều kiện để nhận nuôi con nuôi, bên nhận nuôi cần chuẩn bị hồ sơ để thực hiện thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, bao gồm: Đơn xin nhận con nuôi; Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế; Phiếu lý lịch tư pháp; Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân; Giấy khám sức khoẻ; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế…Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi gồm: Giấy khai sinh; Giấy khám sức khoẻ; Biên bản xác nhận trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi...

Người nhận con nuôi phải nộp hồ sơ của mình và hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi tại UBND cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi người nhận con nuôi thường trú.

 Người nước ngoài có thể nhận con nuôi người Việt Nam

 Trong trường hợp người nước ngoài nhận nuôi con nuôi là người Việt Nam họ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, Có tư cách đạo đức tốt; Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; Không bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên - Luật sư Thanh Hà nhấn mạnh. 

Về trình tự thủ tục nhận nuôi con nuôi, người nhận nuôi con nuôi sẽ nộp hồ sơ nhận nuôi con nuôi tại Cục Con nuôi (Bộ tư pháp).

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ của người nhận nuôi con nuôi, Sở Tư pháp xem xét, giới thiệu trẻ em làm con nuôi. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Tư pháp, nếu UBND cấp tỉnh đồng ý thì ra thông báo cho Sở Tư pháp để làm thủ tục chuyển hồ sơ cho Bộ Tư pháp; trường hợp không đồng ý thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả giới thiệu trẻ em làm con nuôi, Bộ Tư pháp kiểm tra việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi, nếu hợp lệ thì lập bản đánh giá việc trẻ em Việt Nam đủ điều kiện được làm con nuôi người nước ngoài và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận nuôi con nuôi đang thường trú. Sau khi nhận được thông báo của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp trình UBND cấp tỉnh quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.  Sau đó, Sở Tư pháp trình, UBND cấp tỉnh quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

Cuối cùng, Sở Tư pháp thông báo cho người nhận nuôi con nuôi đến Việt Nam để nhận con nuôi. Trong thời hạn 60 ngày, người nhận nuôi con nuôi phải có mặt ở Việt Nam để trực tiếp nhận con nuôi.

Như vậy, theo quy định hiện hành, việc cho và nhận con nuôi phải tuân thủ các quy định khá chặt chẽ, nghiêm ngặt. Tuy vậy, thực tế cho thấy, việc cho, nhận con nuôi đang diễn ra khá phổ biến thông qua mạng xã hội. Việc cho nhận con nuôi nếu không tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật tiềm ẩn nhiều rủi ro, là một trong những nguyên nhân khiến việc khai sinh cho đứa trẻ gặp nhiều khó khăn, chưa nói đến việc những người nhận con nuôi có nguy cơ bị các đối tượng môi giới, cò mồi, lật lọng đòi lại đứa trẻ để rao bán cho người khác kiếm lời – Luật sư Thanh Hà khuyến cáo.