Sau vụ bé trai 6 tuổi trường Gateway tử vong, phụ huynh Việt "ngán ngại" khi đưa con tới trường

ANTD.VN - Sự việc bé trai lớp 1 trường Gateway tử vong nghi do bị bỏ quên trên xe khiến dư luận, đặc biệt là các phụ huynh vô cùng bàng hoàng và phẫn nộ trước sự tắc trách của những người liên quan cũng như quy trình quản lý lỏng lẻo của ngôi trường này. Sự việc xảy ra ngay trước thềm năm học mới khiến các bậc cha mẹ bị ám ảnh và giật mình lo lắng cho sự an nguy của con mình khi đến trường bởi có quá nhiều hiểm họa rình rập quanh trẻ. 

Phụ huynh ám ảnh bởi cái chết thương tâm của bé trai lớp 1 trường Gateway

Tối 6-8-2019, sự việc bé trai L.H.L. (6 tuổi) - học sinh lớp 1 trường Gateway tử vong do nghi bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường gây rúng động dư luận. Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan pháp y đã tiến hành khám nghiệm pháp y và bàn giao thi thể cháu bé cho gia đình đưa về huyện Nga Sơn, Thanh Hóa mai táng.

Hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, đã khởi tố vụ án "vô ý làm chết người" theo điều 28 Bộ Luật hình sự để làm rõ nguyên nhân cũng như xử lý trách nhiệm những người liên quan.

Sau vụ bé trai lớp 1 trường Gateway tử vong do nghi bị quên trên xe bus, nhiều phụ huynh đã chủ động đưa đón con đi học

Ngay khi thông tin về vụ việc được đăng tải, dư luận không khỏi bàng hoàng và phẫn nộ, thương xót cho cháu bé xấu số. Không ít phụ huynh bị ám ảnh, hoảng sợ và thấy cần phải xem xét lại những nguy cơ khi cho con di chuyển đến trường và về nhà bằng cách thức này. Nhiều gia đình vì quá lo lắng nên lựa chọn hình thức tự đưa đón con đi học. Thậm chí, một số phụ huynh có dự định sẽ cho con chuyển tới một ngôi trường khác, hoặc là gần nhà, hoặc chất lượng cao hơn để đảm bảo an toàn cho trẻ. 

Trên thực tế, không chỉ trường Gateway mà rất nhiều trường học khác trên địa bàn Hà Nội đều thuê xe đưa đón học sinh bên ngoài. Xét một cách khách quan, để trẻ tự đi xe bus hoặc sử dụng phương tiện cá nhân như xe đạp để tới trường không chỉ mang lại nhiều lợi ích về thể chất đối với trẻ mà còn giúp các em học được cách thích nghi và chủ động đối phó với các sự cố bất ngờ tốt hơn.

Nghiêng về phương án này, nhiều phụ huynh đưa ra lời kiến nghị về việc đảm bảo an toàn cho trẻ "đi đến nơi, về đến chốn". Cụ thể: Sau khi trả học sinh, lái xe chỉ nên đóng cửa chính của xe, không nên đóng cửa sổ để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra. Cùng với đó, nhà trường và gia đình cần phối hợp chặt chẽ, phổ cập thêm những kỹ năng sinh tồn cần thiết cho các bé trong trường hợp bị mắc kẹt trong xe, trong nhà, hoặc bất kỳ nơi nào mà không có sự trợ giúp, đặc biệt là ở những nơi có nhiệt độ cao....

"Nghìn lẻ" mối lo khi đưa con đến lớp

Không chỉ dừng lại ở việc đưa con đi, đón con về như thế nào, vụ bé trai 6 tuổi trường Gateway tử vong diễn ra trước thềm năm học mới đã dấy lên cùng lúc hàng trăm mối lo nghìn mối sợ trong lòng phụ huynh mỗi khi đưa trẻ đến trường. Vấn nạn bạo lực học đường một lần nữa lại trở thành tâm điểm của dư luận nói chung và phụ huynh học sinh nói riêng khi trên mạng xã hội xuất hiện clip nhóm học sinh lớp 9 ở Hưng Yên lột đồ, hành hung bạn ngay giữa lớp học rồi ngang nhiên quay phim như là để ghi dấu một “chiến tích”. 

 

Bạo lực học đường đang là vấn nạn của cả xã hội

Cách đây không lâu, phụ huynh đã rất phẫn nộ với vụ việc giáo viên bắt học sinh tát bạn 231 lần, hay gần đây nhất là vụ giáo viên nhốt học sinh vào tủ quần áo khiến cha mẹ không khỏi xót xa. Chỉ lần seach “bạo lực học đường” trên Google, công cụ tìm kiếm sẽ cho ra hàng nghìn kết quả cùng chủ đề. Con số này cho thấy độ “nóng” cũng như tính nghiêm trọng của thực trạng này trong đời sống xã hội hiện nay...

Hẳn là dư luận vẫn chưa nguôi ngoai sau vụ hàng trăm trẻ nhiễm sán tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), khiến người ta liên tưởng và xâu chuỗi hàng loạt vụ việc thực phẩm bẩn len lỏi vào bữa ăn hàng ngày của trẻ như: vụ 31 trẻ trường mầm non Lại Yên, Hoài Đức, Hà Nội bị rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy cấp sau khi ăn trưa tại trường; vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng làm 352 học sinh phải đi viện điều trị... Sức khỏe của trẻ sẽ như thế nào nếu cơ thể liên tục phải dung nạp lượng thực phẩm bẩn hàng ngày, chỉ nghĩ tới thôi cũng khiến các bậc cha mẹ rùng mình lo sợ. 

Thực phẩm bẩn len lỏi vào bếp ăn nhà trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ

Ngồi trên ghế nhà trường là tiếp cận với môi trường giáo dục, là bồi dưỡng nhân cách cho trẻ nhưng có quá nhiều vụ việc thương tâm diễn ra trong chính "cái nôi" này khiến phụ huynh tỏ ra "ngán ngại mỗi khi đưa con tới lớp, nhất là trong bối cảnh  nhà trường chưa ý thức hết trách nhiệm, buông lỏng quản lý, chỉ quan tâm việc dạy chữ, coi nhẹ việc dạy người này, phụ huynh biết đặt để, trao gửi niềm tin ở đâu?

Với góc độ của các bậc làm cha, làm mẹ, có lẽ phụ huynh Việt cũng khao khát và mong mỏi những nhà quản lý giáo dục rốt ráo tìm ra các phương pháp phòng chống và ngăn chặn các vấn nạn đã và đang diễn ra trong môi trường học đường, thắt chặt quy trình làm việc khoa học, xử lý triệt để vấn đề, nghiêm minh xử phạt các trường hợp vi phạm... Chỉ có thế, trường học mới thực sự là nhà, là nơi ươm mầm tương lai của đất nước.