Sau việc san ủi mộ vợ vua triều Nguyễn: Rất cần một bản đồ quy hoạch khảo cổ

ANTD.VN - Dự án xây dựng bãi đỗ xe cho khách tham quan lăng Tự Đức và và Đồng Khánh (phường Thủy Xuân, TP Huế) đã bị buộc phải dừng lại sau khi người dân, chính quyền địa phương và đại diện dòng họ chính thức xác nhận, khu vực san ủi này có phần mộ của một phi tần triều Nguyễn. 

Bia “Tiền Triều Tài Nhân Cửu Giai Lê Thị Thụy Thục Thuận chi mộ” được tìm thấy chứng minh rằng khu đất này có mộ cổ 

Sự việc đã có hướng giải quyết khá sáng sủa khi đại diện chủ đầu tư và đơn vị thi công thừa nhận thiếu sót và gửi lời xin lỗi đến dòng họ đồng thời hứa sẽ tạo dựng lại khu lăng mộ. Tuy nhiên đây không phải lần đầu tiên một dự án phải dừng thi công khi đụng vào di tích. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để mỗi dự án không vô tình xâm hại di tích nằm ẩn sâu dưới lòng đất. Và làm thế nào để chủ động bảo toàn được di tích mà không ảnh hưởng đến sự phát triển?

Bãi đỗ xe ủi bay mộ cổ

Trung tuần tháng 6 vừa qua, khi đơn vị thi công tiến hành san ủi lấy mặt bằng xây dựng bãi đỗ xe tại khu vực phường Thủy Xuân - TP Huế thì Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhận được thông tin từ một số người dân quanh vùng và đặc biệt là từ Chủ tịch Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc, trong đó, khẳng định địa điểm đang giải phóng mặt bằng là nơi an nghỉ của một bà phi, vợ vua triều Nguyễn.

Bản đồ khảo cổ học không phải khoanh vùng bất khả xâm phạm mà để cảnh báo khả năng có di sản. Vì thế, không sợ nhân danh bảo tồn mà cản trở phát triển.

PGS-TS Đặng Văn Bài (Phó chủ tịch Hội Di sản)

Đến chiều 24-6, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy một tấm bia đá tảng nguyên khối, nằm cách nền móng khu lăng mộ bị đào xới khoảng 50m, dưới lớp đất sâu 1,5m. Bia có chiều cao 67cm, rộng 32cm, dày 10cm. Trên bia khắc dòng chữ Hán: “Tiền Triều Tài Nhân Cửu Giai Lê Thị Thụy Thục Thuận chi mộ”. TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xác nhận, chắc chắn đây là bia mộ của vợ vua nhà Nguyễn. Tuy nhiên, vợ vua nào thì chưa thể xác định được.  Ngay sau đó, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cho tạm dừng thi công và khoanh vùng bảo vệ. 

Trao đổi với báo chí sáng 26-6, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Huế cho biết, đơn vị chưa bàn giao mặt bằng cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá Trị - chủ đầu tư dự án Bãi đậu xe khách tham quan lăng Tự Đức - Đồng Khánh với lý do công ty này chưa hỗ trợ kinh phí cho 3 hộ dân có diện tích thu hồi lớn và đang được điều chỉnh bổ sung giá trị bồi thường. Đối với việc ngôi mộ cổ bị san ủi, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, đơn vị đã phối hợp với UBND phường Thủy Xuân (TP Huế) và chủ đầu tư tiến hành kiểm kê trên thực địa toàn bộ phạm vi thực hiện dự án. Có thể do mộ lâu năm, nên không biết để kiểm kê.

Bảo tồn chứ không kìm hãm phát triển

Trao đổi cùng phóng viên Báo An ninh Thủ đô, PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học cho biết, vài chục năm nay, các nhà khảo cổ học đã lên tiếng mạnh mẽ và yêu cầu có một bản đồ quy hoạch khảo cổ học đô thị. Việc này xét cho cùng không khó khăn gì, nhưng không hiểu vướng ở đâu mà mãi chẳng xong, vì thế, nhiều công trình xây dựng vô tình phá hỏng di sản rồi bị đình trệ tiến trình thi công. 

Ví như ở Hà Nội, năm 2010 đã từng xôn xao việc một đoạn Hoàng thành thời Lê đã bị xúc bỏ trong quá trình làm đường… Nếu khi đó mà có bản đồ Quy hoạch Khảo cổ học thì người ta sẽ biết rằng, vị trí này dựa trên bản đồ Hồng Đức có khả năng sẽ là Hoàng thành.

Trước đó, chuyện dự án gặp di tích cũng đã xảy ra vào năm 2006, khi tiến hành xây dựng con đường Kim Liên mới, đơn vị thi công đã “đụng” vào đàn Xã Tắc. Chính vì thế, việc thi công đã phải tạm dừng trong một thời gian rất dài để nhường chỗ cho khai quật khảo cổ. Một bản đồ quy hoạch khảo cổ học đô thị đặc biệt rất cần thiết để tránh bị động như một vài ví dụ nhỏ kể trên.

Tiến sĩ Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh Thành cũng khẳng định sự cần thiết của bản đồ quy hoạch khảo cổ. Ông nhấn mạnh muốn bảo tồn song hành cùng phát triển thì phải có quy hoạch và để quy hoạch được thì đương nhiên phải nghiên cứu, như thế là mới bài bản và khoa học. Tuy nhiên bài toán ở đây là làm sao phải có nền tảng để làm ra bản đồ, nghiên cứu xác định, phạm vi đầu tư như thế nào, đánh giá giá trị từng di tích khảo cổ, tính dự báo ra sao…

Trở lại với câu chuyện san ủi mộ cổ làm bãi đỗ xe ở Huế. Ông Bùi Minh Trí cho rằng, đơn vị thi công vô can, vì họ không có chuyên môn gì về khảo cổ. Vấn đề đáng nói ở đây là câu chuyện quản lý của các ngành các cấp.