Sau thiên tai “lộ mặt nhân tai”

ANTĐ - Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 26-10 cho biết, tình trạng xây ẩu đã góp phần làm gia tăng số lượng thương vong trong trận động đất 7,2 độ richter mới đây, đồng thời ví sự vô trách nhiệm của một số quan chức và nhà thầu như hành động giết người.

Hàng trăm tòa nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ bị đổ sập sau trận động đất hôm 23-10

Theo ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã không rút ra được nhiều bài học từ những trận động đất trước đó. “Khi xem xét vụ việc, chúng tôi nhận thấy chất lượng vật liệu xây dựng kém”, Thủ tướng nói, “Người dân đã phải trả giá vì người ta đã dùng cát để thay thế xi măng hoặc vì những khối nhà bê tông được xây dựng trên nền đất yếu. Sự cẩu thả của chính quyền, kỹ sư xây dựng và giám sát nên được xem là hành động sát nhân”.

Trận động đất 7,2 độ richter hôm 23-10 đã phá hủy khoảng 2.000 ngôi nhà trong đó có khoảng 80 tòa nhà cao tầng ở thành phố Ercis, và làm ít nhất 461 người thiệt mạng. Người dân ở Ercis cho rằng, một số tòa nhà thiếu trụ đỡ bằng thép và không đủ lượng xi măng, đồng thời cáo buộc các nhà thầu đã vì tiến độ mà không chú trọng đến vấn đề an toàn.

Kỳ tích vẫn tiếp tục diễn ra 3 ngày sau trận động đất kinh hoàng ở phía đông Thổ Nhĩ Kỳ. Thêm 2 giáo viên và 1 sinh viên đã được cứu sống khỏi đống đổ nát hôm 26-10. Trước đó 1 ngày, khoảng 40 người cũng được giải cứu khỏi các tòa nhà bị đổ sập, trong đó có 1 bé gái mới 2 tuần tuổi. Tuy nhiên, theo ông Gerald Rockenshaub, Giám đốc bộ phận ứng phó thảm họa của Tổ chức Y tế Thế giới, sau thảm họa từ 48-72 giờ, cơ hội tìm thấy người sống sót là rất mong manh. Các quan chức y tế cũng cảnh báo gia tăng các trường hợp mắc bệnh tiêu chảy, đặc biệt là ở trẻ em ở vùng thảm họa.

Do hàng nghìn người đã bị mất nhà cửa hoặc lo sợ không dám về nhà, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này sẽ nhận các chuyến hàng cứu trợ quốc tế, kể cả từ Israel bất chấp mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước sau vụ binh sĩ Israel sát hại 9 nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái.

Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở một trong những vùng địa chấn hoạt động mạnh nhất thế giới và có nhiều đường đứt gãy. Gần 500 dư chấn đã xảy ra sau trận động đất hôm 23-10 khiến người dân hoảng sợ. Trước đó, năm 1999, 2 trận động đất có cường độ hơn 7 độ richter ở tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ, làm chết khoảng 18.000 người. Theo các chuyên gia, hàng chục nghìn người ở Istabul, thành phố lớn nhất nước với hơn 12 triệu dân, nằm gần đường đứt gãy chính, có thể thiệt mạng nếu một trận động đất lớn xảy ra ở đây.