Sau Tết, rau xanh tăng giá gấp đôi

ANTĐ - Từ chiều mùng 1 Tết, một số chợ dân sinh đã có người bán hàng, chủ yếu là rau xanh, cá, hải sản. Đáng chú ý, nhiều loại rau xanh tăng giá mạnh trong những ngày đầu năm.

Sau Tết, rau xanh tăng giá gấp đôi ảnh 1Chưa nhiều người kinh doanh mở hàng sau Tết

Giá tăng, người mua ít

Đi chợ từ chiều mùng 1 Tết, chị Trần Thu Thảo (Dịch Vọng Hậu - Cầu Giấy) thấy giá rau xanh tăng vọt. Cụ thể, su hào tăng từ 3.000 đồng/củ lên 7.000 đồng/củ; rau cần cũng tăng lên 8.000 đồng/mớ, thay vì 5.000 đồng/mớ như trước Tết; cải cúc tăng gấp đôi, lên mức 4.000 đồng/mớ. Giá các loại rau gia vị cũng tăng mạnh. “Chỉ có từ chiều 30 đến chiều mùng 1 mà giá rau xanh đã tăng gấp đôi rồi. Trong khi chiều cuối năm vẫn còn nhiều người bán hàng thì ngày đầu năm, hàng quán lại thưa vắng. Cả chợ chỉ vài chục gian hàng mở cửa”- chị Thu Thảo cho biết. Tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), chỉ có giá rau xanh biến động, còn giá thịt lợn, thịt bò, cá vẫn ổn định. Cá chép khoảng 1kg/con giá 80.000 đồng/kg; ngao 20.000 đồng/kg, tăng nhẹ; thăn lợn 105.000 đồng/kg… Hàng thịt khá ế ẩm. 

Theo phản ánh của người tiêu dùng, tại chợ Ngô Sĩ Liên, một số loại rau gia vị tăng giá mạnh, đặc biệt là hành tươi lên đến 15.000 đồng/lạng. Tại chợ cóc Thể Giao - Tuệ Tĩnh, thịt lợn và hoa tươi đều tăng giá mạnh. Trong Tết, sườn lợn giá 110.000 - 120.000 đồng/kg, nhưng tới sáng mùng 5 đã tăng lên 150.000 - 160.000 đồng/kg. Hoa hồng cũng tăng lên mức 5.000 đồng/bông, tăng 2.000 đồng/bông so với những ngày cuối năm.

Tại chợ Thành Công (quận Đống Đa), từ mùng 2 Tết đã có người bán rau xanh, hoa quả mở hàng. Giá rau xanh cũng tăng so với ngày thường, đặc biệt các loại rau cần, rau cải cúc… Thịt thăn bò cũng tăng từ 280.000 đồng/kg lên 320.000 đồng/kg. Tại chợ Vĩnh Hồ (quận Đống Đa), cá chép loại to từ 3-4kg/con có giá 120.000 đồng/kg. Cá trắm cỏ loại to có giá 120.000 đồng/kg. Giá cá quả cũng cao hơn ngày thường 20.000 đồng/kg, ở mức 140.000 đồng/kg.

Theo chị Nguyễn Thị Đăng (tiểu thương chợ Thành Công), so với mọi năm, sau Tết thực phẩm tăng giá ít hơn. Tuy nhiên, sức mua thực tế cũng không cao. “Chắc phải ngoài mùng 6 Âm lịch, người dân hết thực phẩm dự trữ, người lao động ngoại tỉnh trở lại Hà Nội làm việc, chúng tôi mới dám nhập hàng về nhiều hơn. Các hộ kinh doanh khác cũng mở cửa bán hàng thì giá cả sẽ trở lại bình thường” - chị Nguyễn Thị Đăng nói.

Hàng ăn không dám tăng giá

Hiện tại, một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã mở cửa trở lại. Ghi nhận tại siêu thị Big C Thăng Long sáng mùng 5 Tết cho thấy, khách hàng khá thưa thớt. Các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn có đông khách mua hơn cả. Rau xanh phong phú về chủng loại. Giá hàng hóa tại siêu thị Big C giữ ổn định như trước Tết. Năm nay, một số trung tâm thương mại mở cửa muộn hơn so với mọi năm. Nhiều gian hàng, khu vực vui chơi, ăn uống đều có gian hàng đóng cửa. Khách tham quan, vui chơi không đông đúc. 

Những năm trước, thông thường sau Tết, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng giá mạnh, nhưng năm nay khác hẳn. Mặc dù số lượng hàng ăn mở cửa chưa nhiều nhưng giá bán lại rất phải chăng để giữ chân khách. Các hàng bánh mì, xôi, bún, miến, phở trên đường Đê La Thành mở cửa từ chiều mùng 1 Tết. Chủ quán bún cá Hưng Yên ở ngã tư Đê La Thành - Giảng Võ cho hay: “Trong Tết, tôi bán 38.000 đồng/bát bún, miến cá. Nay tăng lên 40.000 đồng/bát. Lượng rau, bún và cá vẫn vậy chứ không giảm. Giá bán mới chúng tôi dự kiến áp dụng cả năm nay chứ không phải chỉ tranh thủ mấy ngày Tết”.

Tương tự, tại khu tập thể Đại học Thương mại, sau Tết, chỉ duy nhất một quán bún riêu cua, ốc dọn hàng bán ở vỉa hè. Tuy nhiên, giá bán chỉ 30.000 đồng/bát. Theo chủ quán này, quán phải giữ giá để giữ chân khách chứ không thể chụp giật vài ngày. “Giờ kinh tế khó khăn, khách thấy cửa hàng nào tăng giá, mất uy tín một lần là tẩy chay ngay. Thế nên chúng tôi phải giữ giá” - chủ quán bún này nói.