Sau Tết, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng mạnh

ANTĐ - Khác với những năm trước, thị trường lao động sau Tết 2016 khá ổn định. Tình trạng người lao động “nhảy việc” xảy ra ít hơn tại các khu công nghiệp-chế xuất. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông vẫn tăng mạnh, đặc biệt nhóm ngành nghề sử dụng nhiều lao động thời vụ.

Sau Tết, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng mạnh ảnh 1

Rất nhiều cơ hội việc làm đang chờ người lao động

Nghỉ Tết hết tháng Giêng

Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, người lao động tại các khu chế xuất-công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã quay trở lại làm việc. Nhiều chuyên gia lao động cho rằng, người lao động được doanh nghiệp chăm lo tốt nên trở lại làm việc đúng hẹn, tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp. Nhưng, đây mới chỉ là kết quả của khối các nhà máy, doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp-chế xuất (người lao động và doanh nghiệp có sự gắn bó, ràng buộc chặt chẽ). Trong khi đó, nhóm ngành nghề sử dụng nhiều lao động thời vụ thì việc khởi động chậm hơn nhiều.

 Chị Nguyễn Thị Thơm (Lý Nhân, Hà Nam) cho biết: “Tôi làm cho một doanh nghiệp tư nhân sản xuất bánh kẹo ở Hà Nội. Thu nhập chỉ 3,5 triệu đồng/tháng. Dù sinh hoạt tằn tiện cũng chẳng tiết kiệm được bao nhiêu. Cũng giống như các năm trước, sau kỳ nghỉ Tết tôi thường đi chơi lễ hội cho qua tháng Giêng rồi mới đi xin việc. Do lương thấp và cũng không có ràng buộc gì nên khi nghỉ tôi cũng không thông báo cho chủ sử dụng lao động biết”.

Còn anh Nguyễn Quý Lân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Cửa hàng của chúng tôi đang cần 3 lao động giao hàng cho khách nhưng sau Tết, chỉ có 1 nhân viên quay lại làm việc. Tôi đã liên hệ với một số trung tâm giới thiệu việc làm, nhưng đều không được”.

Hà Nội cần tuyển 1.000 lao động

Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), sẽ có khoảng 1.000 chỉ tiêu việc làm cho người lao động trong phiên giao dịch việc làm đầu tiên năm 2016 diễn ra vào thứ ba, ngày 23-2 tới. Trong đó, khoảng 50% chỉ tiêu tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo, hơn 30% lao động có tay nghề, trình độ kỹ thuật, hơn 20% có trình độ cao đẳng, đại học.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, ngay từ ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã gửi đăng ký thông báo nhu cầu tuyền dụng lao động. Tuy nhiên, lượng lao động đến tìm việc ở thời điểm hiện tại vẫn còn khá đìu hiu. Có thể do tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi” nên phải hết tháng Giêng người lao động mới tìm việc làm. Đầu năm, với nhu cầu tuyển dụng khá cao, khả năng số lượng lao động sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng. 

Theo các chuyên gia, quý I hàng năm là thời điểm các doanh nghiệp thường thực hiện tái cấu trúc nên đòi hỏi phát triển lực lượng lao động. Đây cũng là thời gian, sự dịch chuyển lao động diễn ra mạnh nhất. Để giảm thiểu những tác động xấu do thiếu hụt nguồn lực, người sử dụng lao động cần có những chiến lược “giữ chân” người lao động như: điều chỉnh chế độ lương, thưởng hợp lý, chăm lo đời sống cho công nhân…

Việc doanh nghiệp cần tuyển dụng số lượng lớn lao động là tín hiệu tích cực. Nhờ đó, người lao động có thêm nhiều cơ hội chọn lựa công việc phù hợp. Tuy nhiên, người lao động cũng phải tự nâng cao kỹ năng, tính chuyên nghiệp, ý thức kỷ luật thì mới đáp ứng được yêu cầu công việc trong thị trường lao động hội nhập quốc tế.