Sau song sắt trại giam, có một trái tim người cha thổn thức

ANTĐ - “Đã có lúc tôi tuyệt vọng và muốn chấm dứt cuộc đời này. Được ăn học đàng hoàng, bằng chúng bằng bạn, rốt cuộc lại trở thành tội phạm của xã hội. Nhưng, thật may, cánh cửa cuộc đời không đóng lại với tôi..."

Bước ngoặt lớn trong cuộc đời người bố trẻ

Sinh ra trong một gia đình cơ bản, bố làm thợ mỏ, mẹ làm trong công ty du lịch, bản thân Hưởng được bạn bè, người thân đánh giá là một chàng trai ngoan ngoãn, biết suy nghĩ. Tốt nghiệp cấp 3, Hưởng thi Học viện An ninh nhưng thiếu 1 điểm, Hưởng chuyển sang làm lính đặc công. Môi trường quân ngũ rèn luyện, Hưởng trở thành chàng trai rắn rỏi, không ngại khó, không ngại khổ, vững vàng trong cuộc sống. Học được 2 năm đặc công, Hưởng được cử vào Đà Lạt học tập tại Cục Bản đồ thuộc Tổng tham mưu. Nhớ lại những năm tháng xa nhà, khó khăn ấy, lạ lùng đôi mắt hắn sáng rực: “Lương hồi ấy chỉ có 415.000 đồng sau khi trừ 300.000 đồng tiền ăn. Mỗi lần về thăm nhà lại tốn kém một khoản kha khá tàu xe, nhưng quan trọng nhất là đi xa, không lúc nào không nhớ nhà. Tôi sống thiên về tình cảm, mang tiếng lớn phổng mà xa nhà vẫn thấy nhớ mẹ. Bàn bạc với gia đình, tôi xin chuyển ra ngoài Bắc. Có một điều không thể phủ nhận được, đó là những năm tháng trong quân ngũ rèn rũa tôi rất nhiều. Tôi thấy mình chín chắn hơn, biết suy nghĩ hơn, biết quý trọng tình cảm hơn…”.

“Về Quảng Ninh, tôi xác định cuộc sống của mình bình dị, giản đơn giống như những con người khác. Mình lao động, kiếm tiền, không bon chen với bất cứ ai. Ban đầu, tôi chạy xe ô tô cho mỏ, sau chạy xe khách ngoài. Cái nghề ấy tôi học được trong khoảng thời gian học tập ở Đà Lạt, các chú, các anh trong đơn vị truyền dạy cho. Chú và các anh em họ của tôi muốn xin cho tôi lên chạy xe ở Bộ Công An. Thực ra, những gì học được ở Đà Lạt chưa được ứng dụng vào cuộc sống thực tiễn ngay, hay nói đúng hơn, tôi chuyển sang nghề lái xe ô tô, gần như không có cơ hội sử dụng đến, nhưng tôi luôn tự nhủ bản thân: “Sẽ có ngày dùng, hoặc biết thêm một nghề, chẳng phải là điều thú vị hay sao”.

Trong khi chờ đợi xin lái xe trên Bộ Công An, Hưởng chạy xe khách đường dài. Những mong mỏi của Hưởng về một cuộc sống giản dị, bình yên, kiếm ra những đồng tiền chân chính bằng chính sức lao động của mình đột ngột gặp phải một biến cố lớn. Vụ việc ngày 8/11/2008 đi vào kí ức Hưởng như một vết đen không bao giờ có thể tẩy xóa và cho tới hôm nay, mỗi khi gợi lại, nó vẫn nhức buốt như mới xảy ra hôm qua. Tuy không phải là người trực tiếp nổ súng trong cuộc đụng độ ngày 8/11/2008 hôm đó, nhưng những ám ảnh cũ về tội lỗi mình gây ra vẫn chưa dễ phai nhạt trong tâm trí Trần Quốc Hưởng. Do mâu thuẫn, tranh chấp làm ăn, người em “xã hội” đã rủ Hưởng đi nói chuyện phải trái với chủ xe khách. Nghĩ đơn giản là “nói chuyện” bình thường nhưng tới khi tiếng súng do người em bắn ra và một bóng người đổ gục xuống, Trần Quốc Hưởng mới biết tính nghiêm trọng của vấn đề. Trần Quốc Hưởng trở thành đồng phạm trong vụ án giết người rạng sáng 8/11/2008. Cái giá phải trả cho những nông nổi của Hưởng là 12 năm tù giam với những bước ngoặt trớ trêu, không thể lường trước.

Hưởng thú thật, khi Tòa tuyên án 12 năm, hắn đã rất sốc, không thể ngờ tội của mình lại bị tuyên nặng như vậy. Theo như hắn hiểu, vai trò của mình không đến mức nghiêm trọng để lĩnh mức án đó. Hắn không thù hằn cá nhân với người bị hại. Đi theo hai người em cũng vì mang tính chất bạn bè “giúp đỡ” nhau thôi. Nhưng, rốt cuộc hắn hiểu ra một điều: Pháp luật vốn rất công bằng và nghiêm minh, chính Hưởng cùng “đồng bọn” đã tước đoạt đi quyền sống của một mạng người mà đáng lẽ người bị nạn ấy được sống. Anh ta cũng có gia đình, bè bạn và con thơ, cũng là trụ cột của cả một gia đình. Sự liên đới ấy, đến khi bị tuyên án, bước chân vào khám, Hưởng mới thấy thấm thìa. Bởi sau lưng Hưởng, người vợ trẻ anh mới lấy làm vợ được ngót một năm trời đang mang thai tháng thứ 7 đã ngất gục đi vì sửng sốt và đau khổ.

Tình thương yêu nâng giấc kẻ lạc lối

“Ngày tôi đi tù, cô ấy mang thai tháng thứ 7. Sau khi có kết luận điều tra, tôi được đưa tới Trại tạm giam Hà Lầm và lúc ấy gia đình tôi mới được tới thăm. Tháng nào cũng vậy, Trang - vợ tôi đều tới thăm tôi, kể cả ngày ở cữ. Gặp nhau cũng chỉ biết khóc. Vợ tôi vốn là người mau nước mắt, yếu đuối, cô ấy nhìn tôi qua cửa kính dặn dò tôi ăn uống, giữ gìn sức khoe để sớm trở về với mẹ con cô ấy”. Giọng Hưởng nghẹn lại khi nhắc tới người vợ bé nhỏ của mình. Hắn kể, trước đây hắn là chỗ dựa cho cả gia đình, giờ ngôi nhà thiếu đi bàn tay, bờ vai người đàn ông, cuộc sống lại vất vả, khó khăn hơn trước, thương vợ chảy nước mắt bao nhiêu, càng tự trách cứ, dằn vặt mình bấy nhiêu. Hưởng chỉ biết cầu xin vợ tha thứ. Ở ngoài kia tấm kính trắng, vợ Hưởng vừa lau nước mắt, vừa đưa bàn tay áp chặt vào tâm kính, đôi tay chồng khít lên nhau qua cửa kính, gần ngay đó mà xa cách vời vợi.

“Cô ấy nói với tôi: “Một lần ngã đau là một lần bớt dại. Em tin anh sẽ cải tạo tốt để sớm trở về đoàn tụ với mẹ con em. Em muốn anh cùng em chăm sóc, nuôi dạy con nên người. Con gái Phương Linh của mình, trộm vía ngoan lắm, con đang ngóng đợi anh về”. Kể đến đây, Hưởng nhìn tôi, chậm rãi: “Sở dĩ tôi đặt tên con gái là Phương Linh bởi tôi đọc sách và xem phim nhiều, thấy ba chị em họ Tống, tên Linh lừng danh quá, cũng hi vọng con gái mình sau này cũng giỏi giang, tháo vát như vậy. Mà thời gian cũng trôi nhanh cô nhỉ, ngày được tin vợ mới sinh con, bây giờ con tôi cũng đã gần 3 tuổi, thi thoảng cháu được ông bà và mẹ cho lên thăm nuôi bố đấy”. Giọng hắn nửa vui mừng mà vẫn rặt vị chua xót.

Người cùng cảnh ngộ

Những ngày mới vào tù là những ngày nặng nề nhất trong cuộc đời người đàn ông trẻ tuổi. Nỗi canh cánh hướng về vợ dại, con thơ, đặc biệt là sinh linh bé nhỏ đang e ấp trong bụng mẹ chờ ngày khai hoa nở nhụy. Hưởng biết, phụ nữ đang mang bầu vốn khó ở trong người, nay lại vì mình mà ôm nỗi buồn khôn nguôi, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và bé. Hưởng nảy sinh nhiều suy nghĩ tiêu cực, lúc nào cũng lầm lì như cái bóng, ai hỏi gì cũng chỉ nhìn và im lặng. Nhưng, trong cảnh tù tội ấy, nơi tưởng như lạnh lẽo tình người ấy, Hưởng nhận được những lời động viên chí tình, chí lý của những con người cũng lầm lỡ như hắn. 2 phạm nhân cùng buồng giam với Hưởng, một người lĩnh mức án chung thân, một người đang gánh trên vai án tử lơ lửng trên đầu, đều quay sang động viên, đả thông tư tưởng cho Hưởng.

Họ bảo: “Chú còn trẻ, tương lai còn dài, còn rộng mở phía trước. 12 năm là cái giá đắt phải trả cho tuổi trẻ nông nổi, bồng bột của chú, nhưng chí ít chú còn có cơ hội trở về đoàn tụ với gia đình và xã hội. Còn bọn anh, một người nắm chắc cái chết trong tay, người còn lại là cái án không số, dài dằng dặc chẳng biết đâu là ngày trở về. Bọn anh đây muốn làm lại cũng không có cơ hội, còn chú, vẫn còn thênh thang cả quãng đường dài phía trước. Chú mày phải sống thêm cả phần của bọn anh nữa”. Bản thân Hưởng không thể ngờ, những lời nói chân thành của những con người cùng cảnh ngộ ấy lại tác động tới anh nhiều đến thế. Những “người anh” đặc biệt ấy có thể ở ngoài xã hội, họ là những kẻ gieo rắc cái chết trắng, làm hại cộng đồng, song họ đã phải đền tội bằng chính mạng sống và tự do của mình. Sự cứu rỗi, lời động viên của họ đối với người trong cơn cùng đường tuyệt vọng như Hưởng, ít nhiều có ý nghĩa và giá trị. Và có thể, đó là việc tốt cuối cùng họ có thể làm được để chuộc lỗi với cuộc đời.

“Nếu cuộc đời chỉ sợ những mưa rơi...”

“Gia đình và họ hàng đều tin tưởng và dành cho tôi tình yêu thương đặc biệt. Tôi trở thành niềm tự hào, sự kỳ vọng lớn lao của bố mẹ. Ở nhà, tôi và bố giống như hai người bạn, sẵn sàng chia sẻ với nhau rất nhiều vấn đề trong cuốc sống. Bố chính là người ảnh hưởng nhiều nhất tới tôi. Ông dạy tôi cách sống bản lĩnh, đương đầu với khó khăn, có trách nhiệm với bản thân và gia đình. Nhưng bản án 12 năm tù đã đảo ngược tất cả, nó chẳng khác nào cú tát tai trời giáng vào niềm tin và lòng kiêu hãnh của bố mẹ tôi, đặc biệt là bố. Mẹ tôi chỉ biết khóc, còn bố tôi im lăng. Tôi hiểu rằng, sự im lặng ấy xuất phát từ nỗi đau khổ và thất vọng dành cho đứa con trai duy nhất của ông.

Từ ngày tôi bị bắt cho tới khi đi thụ án, bố tôi không nói với tôi một câu nào. Tôi trở thành nỗi nhục nhã của gia đình và dòng tộc. Suốt khoảng thời gian dài ở trại tạm giam Hà Lầm, bố tôi không tới thăm tôi. Cho tới khi tôi chuyển tới trại giam Quảng Ninh, bố tôi mới tới. Khi nhìn thấy bố, tôi không thể hình dung bố tôi lại gầy và tóc bạc trắng nhiều như thế. Bố tôi vẫn kiệm lời như vậy, ông chỉ nói với tôi một câu duy nhất, mà có lẽ suốt cả đời này tôi chẳng bao giờ quên: “Nếu cuộc đời chỉ sợ những mưa rời, thì nắng đẹp biết ngày nào sẽ tới”. Hôm ấy, trước mặt bố tôi, tôi khóc thỏa thuê như một đứa trẻ. Ở bên ngoài cửa kính, bố tôi mắt cũng nhòa đi”.

Trước khi chia tay tôi, Trần Quốc Hưởng tâm sự: “Đã có lúc tôi tuyệt vọng và muốn chấm dứt cuộc đời này. Được ăn học đàng hoàng, bằng chúng bằng bạn, rốt cuộc lại trở thành tội phạm của xã hội. Nhưng, thật may, cánh cửa cuộc đời không đóng lại với tôi. Tôi biết mình vẫn được tin tưởng, được thương yêu, và vì tất cả những ân tình ấy, vì cả bản thân tôi nữa, tôi sẽ cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về, làm lại cuộc đời. Tôi còn phải cảm tạ tấm chân tình của những “ân nhân” giúp đỡ tôi trong lúc tôi khốn khó”.

Mùi hạt điều cháy ngai ngái, nồng nồng, hình như mắt hắn cũng hoe đỏ. Vì xúc động!