Sâu răng - chữa trị và phòng tránh

ANTĐ - Bệnh sâu răng khá phổ biến ở mọi lứa tuổi và không phân biệt giới tính. Sâu răng gây đau nhức dai dẳng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người bệnh. Có những hiểu biết về bệnh sâu răng, biết cách chữa trị và phòng tránh sẽ giúp bạn và người thân có hàm răng chắc khỏe, sức khỏe tốt.

Khám răng định kỳ là cách tốt nhất phòng, chống bệnh về răng

Bệnh sâu răng xuất hiện do giữ gìn vệ sinh răng miệng kém: không vệ sinh răng miệng đúng cách sau khi ăn uống; thói quen xỉa răng không hợp lý; cơ thể bị rối loạn dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự chuyển hoá các chất canxi,  phốtpho và fluo; cơ thể bị thiếu vitamin, nhất là vitamin D; mắc một số bệnh về các tuyến nội tiết hay bệnh lao; nhiễm khuẩn ở khoang miệng, viêm lợi, tưa lưỡi...

Nếu bạn bị sâu ở men răng sẽ thấy răng có màu nâu sẫm hoặc ngả vàng, bề mặt ngà răng có lỗ gây buốt khi bị kích thích với các thức ăn chua, nóng quá hoặc lạnh quá. Sâu răng cũng có thể là do viêm tuỷ răng gây đau đớn rất khó chịu cho người bệnh. Nếu bạn bị sâu răng lâu ngày có thể gây viêm tuỷ mạn tính hoặc hoại thư tuỷ răng làm răng mất hết cảm giác, hơi thở rất hôi do bị nhiễm khuẩn nặng.

Cách xử lý khi bị sâu răng

Khi bị sâu răng, bạn cần đến bác sỹ nha khoa để khám và điều trị dứt điểm. Tuỳ nguyên nhân của từng loại bệnh mà có biện pháp xử lý thích hợp. Nếu bị các bệnh thực thể phải điều trị toàn thân như dùng thuốc chống lao (nếu bị bệnh lao), điều trị bệnh còi xương ở trẻ em bằng cách dùng thuốc có canxi, kết hợp liệu pháp dùng vitamin như vitamin A, B, D, các thuốc nội tiết... 

Thông thường, để điều trị tại chỗ răng sâu bác sỹ nha khoa sẽ nạo sạch men ngà răng bị nhiễm khuẩn, sau đó sát khuẩn và hàn với ơgenon và kẽm oxyt. Đặt trực tiếp vào lỗ sâu răng bông thấm clorophenon, long não và các thuốc đặc trị chuyên khoa khác rồi hàn răng vĩnh viễn bằng ximăng amangam chuyên dụng. Nếu răng bị viêm tuỷ cần phải lấy tuỷ, sau đó sát khuẩn ống tuỷ và hàn vĩnh viễn. Lưu ý, khi bị sâu răng buộc phải lấy tuỷ và hàn răng, bạn cần đến các trung tâm y tế hoặc các nha sĩ uy tín, có chuyên môn đảm bảo và phải đặc biệt chú ý vấn đề sát khuẩn dụng cụ đề phòng các bệnh lây nhiễm qua các dụng cụ dùng chung.

Để điều trị tận gốc bệnh sâu răng cần phải có chỉ định dùng thuốc hợp lý của bác sỹ nha khoa và phải giải quyết triệt để bằng các kỹ thuật hàn răng nói trên.

Làm thế nào để đề phòng bệnh sâu răng?

Phòng bệnh sâu răng rất đơn giản bằng cách giữ vệ sinh răng miệng đúng cách. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần chú ý chế độ ăn uống trong thời kỳ thai nghén và cho con bú để có đủ chất canxi, phốtpho và vitamin để chuẩn bị cho trẻ em một bộ răng khoẻ, đẹp đủ sức đề kháng với bệnh sâu răng. Bạn nên tập và thực hiện thói quen ăn chậm, nhai kỹ, không ăn vặt, không ăn quá nhiều thức ăn có đường, chua quá, cay quá, nóng quá, hoặc lạnh quá tránh làm hỏng men răng, gây sâu răng. Đánh răng sau mỗi bữa ăn, trước khi đi ngủ và mỗi sáng thức dậy, sau khi ăn bánh kẹo hoặc đồ uống có đường cần chải răng sạch sẽ với kem đánh răng có fluo. Thường xuyên súc miệng bằng nước muối pha loãng hoặc sử dụng các dung dịch nước súc miệng có bán ở các nhà thuốc cũng có tác dụng phòng ngừa sâu răng rất hiệu quả.